Trong vòng một buổi sáng tại bến đò Minh Châu (thuộc xã Minh Châu, H.Ba Vì, TP.Hà Nội), nơi giao thoa của 3 con sông là sông Hồng, sông Lô và sông Đà, PV Thanh Niên đã chứng kiến cả chục chiếc tàu thủy nối cao thành boong tàu chở gỗ dăm về xuôi.
Những chiếc tàu cơi nới chở gỗ dăm “vô tư” qua lại trên sông Lô - Ảnh: Trần Hưng
|
Để chở gỗ dăm (gỗ được băm nhỏ từ cây keo, bạch đàn…dùng làm nguyên liệu giấy) với số lượng nhiều nhất có thể, các chủ tàu đã không ngần ngại chống cây và rào lưới cao hơn mặt boong tàu khoảng 1-1,5m.
Nhiều tàu dăm gỗ được chất cao hơn cả phần cơi nới và không được che đậy khi vận chuyển. Đa số những con tàu này xuất phát từ các xã Hùng Long, Sóc Đăng thuộc H.Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ - là những nơi tập trung nhiều điểm thu mua, sản xuất gỗ dăm với số lượng lớn ngay bên cạnh sông Lô. Ngoài ra, một số tàu còn “ăn hàng” xa hơn tại các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang...
Theo một chuyên gia đường thủy, tàu chở hàng hóa như vậy sẽ bị hạn chế về tầm nhìn, khó khăn trong việc điều khiển, chưa kể nếu chẳng may gặp giông bão sẽ dễ gây ra sự cố mất an toàn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, những chiếc tàu thủy cơi nới nêu trên, sau khi ăn hàng đã lưu thông hàng trăm cây số, ra tận cảng Cái Lân (Quảng Ninh) hoặc Hải Phòng, để từ đó xuất khẩu sang Trung Quốc mà không hề bị các cơ quan quản lý “sờ gáy”.
Theo ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam, những chiếc tàu cơi nới để chở dăm gỗ vi phạm quy định về đăng kiểm phương tiện và xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, trách nhiệm kiểm tra, xử lý thuộc về lực lượng CSGT đường thủy địa phương và các cảng.
Bình luận (0)