Tàu to ngại gì sóng lớn

04/08/2012 03:00 GMT+7

Với tàu lớn, Bùi Văn Toàn ( ảnh ) cùng những ngư dân tại TP.Phan Thiết có thể bám trụ trường kỳ giữa biển Trường Sa, vừa làm ăn vừa bảo vệ chủ quyền.

Sáng 1.8, trời mưa như trút nước, nhiều anh em trong Nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng 3 (TP.Phan Thiết, Bình Thuận) vẫn ra cảng Cồn Chà để đón Bùi Văn Toàn cùng với 25 lao động trên tàu cá mang số hiệu BTh-98083TS trở về sau gần hai tháng lênh đênh trên biển Trường Sa.

Tàu to ngại gì sóng lớn 3 

Ông Nguyễn Hùng Hoàng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng 3 - chỉ lên chiếc tàu vừa cập bến: "Sói biển Bùi Văn Toàn đấy anh ạ". Với dáng người chắc khỏe, bộ râu mép đen khịn, không ai nghĩ Toàn mới 40 tuổi.

Với Toàn, 50 ngày trên biển Trường Sa vừa qua là chuyện thường. “Có khi gặp tàu thu mua và tiếp nhiên liệu ngay trên biển thì tụi em đi trên hai tháng mới về”, Toàn khoe và kể tiếp: "Khu vực tụi em đánh bắt từ sát nhà giàn DK tiến đến khu vực gần đảo Trường Sa. Đây là khu vực nhiều nguồn lợi hải sản. Nhưng mùa này hay gặp bão nên không thể kéo dài ngày".

 Tàu to ngại gì sóng lớn 2
 Tàu cá mang số hiệu BTh 98083TS của Bùi Văn Toàn trở về từ Trường Sa - Ảnh: Quế Hà

Trở về lần này, con tàu của Toàn chỉ có 17 tấn cá, trong đó có 11 tấn cá nục và khoảng 6 tấn cá kình. Theo thời giá hiện nay, 1 tấn cá nục chỉ bán được 14 triệu đồng. Trong khi cá kình rớt giá chỉ còn 25 triệu đồng/tấn. Như vậy chỉ thu được khoảng 304 triệu đồng cho 50 ngày trên biển. So với tiền chi phí toàn bộ chuyến đi khoảng 280 triệu thì coi như chuyến biển này Toàn không có lãi. Nhưng Toàn vẫn cười tươi: "Cho bạn chài nghỉ một tuần là tụi em lại đi Trường Sa đấy anh ạ".

Sinh ra và lớn lên ở P.Đức Nghĩa, TP.Phan Thiết. Hơn 20 năm đi biển, Toàn thuộc từng luồng lạch trên biển quê hương. Gần 10 năm đóng được tàu lớn đi biển Trường Sa, giờ anh em trong Nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng 3 đặt cho Toàn biệt danh “sói biển” bởi một năm anh chỉ ở nhà với vợ con đôi ba tháng. Với hai con tàu lớn có công suất mỗi tàu trên 350 CV, gia đình Toàn luôn giữ việc làm ổn định cho 50 lao động là bạn chài.

Chuyến này không có lãi, nhưng cách đây 4 ngày, chiếc tàu lớn thứ hai của gia đình Toàn (BTh-98684TS) trở về từ Trường Sa mang theo hơn 25 tấn cá, trong khi chi phí cho chuyến khơi ấy chỉ khoảng 200 triệu đồng. “Có lãi cả trăm triệu đồng để chia cho bạn chài”, anh khoe.

Toàn là người đầu tiên ở P.Bình Hưng dám vay tiền đóng tàu lớn đi đánh bắt dài ngày trên biển. Hiện anh là chủ tàu duy nhất kiêm tài công dám dấn thân dài ngày trên biển Trường Sa. Anh còn mạnh dạn sắm cả máy dò luồng cá trị giá hàng trăm triệu đồng.

Khi đánh bắt khơi xa như vậy, có hay gặp tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của mình không? Toàn không trả lời câu hỏi mà kể, chỉ cách đây mấy ngày, anh em trên tàu của Toàn phát hiện có nhiều tàu cá Trung Quốc đánh bắt phi pháp trên vùng biển của Việt Nam. Anh em động viên nhau quyết không nao núng. Tàu Trung Quốc chỉ cách vài hải lý, có hệ thống đèn sáng cực mạnh. “Trong máy bộ đàm của tụi em toàn nhí nhố tiếng Trung Quốc. Em đã phát trên bộ đàm thông báo tình hình cho các tàu cá Việt Nam khác biết vị trí tàu Trung Quốc đang xâm phạm vùng biển của ta để báo vào đất liền. Không chỉ giúp nhau trên biển trong những lúc sóng to gió lớn, tụi em luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, Toàn khẳng định.

Quế Hà

>> 23.000 tàu cá Trung Quốc sẽ đổ xuống biển Đông
>> Trung Quốc đưa 9 ngàn tàu cá ra biển Đông
>> Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc chuẩn bị ùa xuống biển Đông
>> Xây dựng thêm trường học tại Trường Sa
>> Một ngư dân bị nạn tại vùng biển Trường Sa
>> Tàu đổ bộ Trung Quốc xuất hiện tại Trường Sa

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.