'Các ngư dân trình báo, tàu Trung Quốc dọa nếu gặp lại tàu QNa 91939 TS lần nữa thì sẽ đâm chìm. Lần cướp phá xảy ra trưa ngày 6.3 là lời cảnh cáo', thượng tá Búp nói.
Cảnh sát biển Trung Quốc vừa lên tàu cá khống chế là chủ động phá hỏng ngay thiết bị liên lạc - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh |
Ngày 10.3, thượng tá Nguyễn Văn Búp, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (đóng tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết sau khi củng cố hồ sơ, trong ngày 9.3, đồn biên phòng đã gửi báo cáo chính thức về vụ "tàu Trung Quốc cướp phá tàu cá QNa 91939 TS xảy ra trưa 6.3 tại vùng biển Hoàng Sa.
Dọa đâm chìm nếu… gặp lại
“Củng cố thêm thông tin và thực tế như các anh đã thấy, những gì mà ngư dân tố cáo về hành vi cướp phá của tàu Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở”, thượng tá Búp nói.
Vùng biển mà tàu cá QNa 91939 TS gặp “cướp” ở tọa độ 15,57 độ vĩ Bắc - 111,48 độ kinh Đông, cách đảo Bạch Quy khoảng 6 hải lý về hướng đông nam và cách đất liền 170 hải lý.
Chính quyền địa phương và đại diện Hội nghề cá tỉnh Quảng Nam thăm hỏi, động viên chủ tàu cá bị nạn - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
|
Thượng tá Búp cho biết các ngư dân báo tin cho gia đình khi “sự việc đã rồi”, tức là lúc các tàu Trung Quốc đã bỏ đi. Sau đó, người thân trong đất liền mới trình báo đồn biên phòng. Lúc đó, đồn biên phòng mở máy liên lạc thường xuyên với tàu cá, động viên họ bình tĩnh trở về đất liền.
“Các ngư dân trình báo, tàu Trung Quốc dọa nếu gặp lại tàu QNa 91939 TS lần nữa thì sẽ đâm chìm. Lần cướp phá xảy ra trưa ngày 6.3 là lời cảnh cáo”, thượng tá Búp nói.
Thượng tá Búp không đề cập chi tiết nhưng có tiết lộ là trong báo cáo đã bao gồm các đề xuất để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân, cụ thể với trường hợp của tàu QNa 91939 TS, trong tương lai.
Tàu cá QNa 91939 TS quay về bến trong tình trạng hư hại ngư lưới cụ nghiêm trọng - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
|
“Điện về báo miết đó chớ!”
Thượng tá Nguyễn Văn Búp cho hay trong mấy ngày qua, các chiến sĩ biên phòng đã tiếp xúc và đến tận nhà để động viên ngư dân sớm khắc phục thiệt hại để làm ăn, dù biết sẽ “khắc phục hơi lâu”.
Lực lượng biên phòng theo sát động viên các ngư dân - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
|
Thuyền trưởng Võ Quang Thái trả lời đại tá Văn Ngọc Quế về việc phối hợp thông tin tàu nước ngoài xâm nhập: “Điện về báo miết đó chớ!”- Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
|
Chính vì vậy, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà đề xuất các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan bảo hiểm, quan tâm hỗ trợ.
Sau khi xảy ra vụ tàu cá Quảng Nam bị ức hiếp ở vùng biển Hoàng Sa, nhu cầu liên lạc kịp thời giữa ngư dân với các cơ quan chức năng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Phía tàu Trung Quốc cũng xác định được “nhu cầu thông tin” này, nên khi khống chế xong 10 ngư dân trên tàu cá QNa 91939 TS, việc đầu tiên họ làm là … đập bỏ hệ thống liên lạc. Một máy Icom vừa sắm mới, 1 máy dò cá, 1 máy liên lạc gần bị phá hỏng lập tức.
May là còn sót 1 máy liên lạc do chính thuyền trưởng Võ Quang Thái nhanh tay giấu được, để kịp truyền tin về nhà.
Ông Ngô Tấn, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Nam, bình luận: “Ông Thái xử trí hay quá”. Nhưng chính ông Ngô Tấn sau đó cũng nhận thấy còn quá nhiều việc phải làm sau khi xảy ra sự cố.
“Qua vụ việc, bản thân tôi và các hội viên rất bức xúc, lo lắng về sự an toàn trong quá trình hành nghề của ngư dân. Hội nghề cá tỉnh Quảng Nam sẽ phải xác định lại nhiều vấn đề, như yêu cầu ngư dân tăng cường cảnh giác - cảnh giới, liên lạc thường xuyên với đất liền, sản xuất theo tổ đội”.
Khi đại tá Văn Ngọc Quế, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đến động viên các ngư dân tiếp tục yên tâm bám biển vì đã có các lực lượng chức năng đồng hành, nghe vị chính ủy gửi gắm nhiệm vụ “có phương tiện nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của ta thì ngư dân điện về báo ngay cho cơ quan chức năng”, thuyền trưởng Thái ngồi bên cạnh nói ngay: “Điện về báo miết đó chớ!”.
Tất nhiên, chuyện “điện về báo miết” ấy chỉ xảy ra khi ngư dân đủ điều kiện để linh hoạt ứng phó và không bị… phá hỏng toàn bộ các phương tiện liên lạc.
Bình luận (0)