TNO

Tàu Trung Quốc vây kín tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông

05/03/2016 20:23 GMT+7

(Tin Nóng) Số lượng tàu hải quân Trung Quốc bao quanh nhóm tàu sân bay Mỹ John C. Stennis khi hạm đội Mỹ đang tuần tra trên Biển Đông ở mức chưa từng thấy, theo chỉ huy tàu sân bay này.

(Tin Nóng) Số lượng tàu hải quân Trung Quốc bao quanh nhóm tàu sân bay Mỹ John C. Stennis khi hạm đội Mỹ đang tuần tra trên Biển Đông ở mức chưa từng thấy, theo chỉ huy tàu sân bay này.

Tàu sân bay USS John C. Stennis di chuyển cùng tàu tiếp tế USNS Rainier và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Mobile Bay trên Biển Đông ngày 4.3.2016 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Bản tin của Hạm đội 7 Mỹ ngày 4.3.2016 cho biết nhóm tàu sân bay tấn công John C. Stennis đang tuần tra trên Biển Đông từ ngày 1.3 sau khi từ biển Philippines (phía bắc Biển Đông) tiến vào, với lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay cho một cuộc tuần tra thế này.

Nhóm tàu này gồm tàu sân bay hạt nhân USS John C. Stennis, hộ tống là các tàu khu trục USS Chung-Hoon (DDG 93), USS Stockdale (DDG 106), tuần dương hạm USS Mobile Bay (CG 53), tàu chỉ huy của Hạm đội 7 là USS Blue Ridge, và tàu tiếp tế USNS Rainier.

Riêng máy bay chiến đấu trên tàu sân bay, thuộc Không đoàn tàu sân bay số 9, đã tiến hành 266 phi vụ cất và hạ cánh trong thời gian tuần tra.

Cùng lúc đó diễn ra cuộc tuần tra khác ở Biển Đông do tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam từ căn cứ ở Nhật Bản tiến xuống.

Ngày 4.3, tàu chỉ huy USS Blue Ridge đã ghé vào cảng Manila thăm hữu nghị Philippines.

Chỉ huy tàu sân bay USS John C. Stennis, ông Greg Huffman cho biết nhóm tàu sân bay của ông đang ở trên một khu vực vùng biển quốc tế phía đông Biển Đông trong vòng 4 ngày tuần tra này. Bao quanh nhóm tàu Mỹ là lực lượng hùng hậu các tàu của hải quân Trung Quốc bám sát mấy ngày nay.

“Số tàu Trung Quốc xung quanh chúng tôi nhiều tới mức tôi chưa từng thấy so với bình thường trước đây”, chỉ huy Greg Huffman nói. Ông Huffman từng tham gia tuần tra ở Biển Đông vào năm 2007.

Tuy vậy giao tiếp liên lạc giữa hai bên được chỉ huy Huffman đánh giá là tốt: “Mọi thứ tôi nghe được qua kênh liên lạc giữa các đài chỉ huy các tàu đôi bên là thông tin tốt giữa các thuỷ thủ chuyên nghiệp”.

Tàu sân bay USS John C. Stennis từ bang Washington được điều động đến gia nhập Hạm đội 7 từ tháng 2.2016.

Máy bay trinh sát E/A-18G Growler cất cánh khỏi tàu sân bay USS John C. Stennis trên Biển Đông ngày 4.3.2016. Từ ngày 1 - 4.3, có 266 phi vụ cất và hạ cánh trên tàu sân bay này - Ảnh: Hải quân Mỹ

Những tháng gần đây, tàu chiến của Hạm đội 7 Mỹ liên tục tiến hành các đợt tuần tra trên Biển Đông. Mới nhất là chuyến tuần tra của tàu đổ bộ USS Ashland khi trên đường từ Thái Lan về căn cứ ở Nhật Bản ngày 26.2.

Ngày 22.2, khu trục hạm USS McCampbell cũng có chuyến tuần tra ở Biển Đông. Ngày 30.1, tàu khu trục USS Curtis Wilbur đã di chuyển vào trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Trong năm 2015, nhiều tàu chiến khác của Mỹ cũng liên tục tuần tra Biển Đông như tàu khu trục USS Lassen, USS Preble, USS McCampbell, tàu đổ bộ tấn công USS Essex, tàu tuần dương USS Chancellorsville, tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth.

Tư lệnh Clay Doss, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ ngày 3.3 nói với Navy Times rằng: “Trong năm 2015, tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương đã có hơn 700 ngày di chuyển trên Biển Đông. Tàu và máy bay của chúng ta hoạt động thường lệ suốt vùng biển Tây Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông, và đã duy trì hàng thập niên nay”.

Hai máy bay F/A18E Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay USS John C. Stennis khi đang trên biển Philippines (phía bắc Biển Đông) ngày 25.2.2016 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu chỉ huy Hạm đội 7 Mỹ, chiếc USS Blue Ridge cũng tham gia tuần tra Biển Đông cùng nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis. Tàu chỉ huy này rời cảng Osaka ngày 27.2 để đến Biển Đông và ngày 4.3 đã ghé cảng Manila thăm hữu nghị Philippines - Ảnh: Hải quân Mỹ

Sự hiện diện của nhóm tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông trong tình hình Trung Quốc gần đây liên tục gia tăng quân sự hoá Biển Đông là tín hiệu mà Mỹ gửi đến Trung Quốc. "Hải quân và Bộ Quốc phòng Mỹ rõ ràng đang thể hiện cam kết đầy đủ của Mỹ về sự hiện diện và tự do hàng hải trong khu vực", ông Jerry Hendrix, một chỉ huy hải quân đã nghỉ hưu và nay là nhà phân tích của Trung tâm An ninh mới của Mỹ ở thủ đô Washington nói với Navy Times.

"Với nhóm tàu sân bay tấn công và tàu chỉ huy, Hải quân Mỹ đang cho thấy phạm vi lợi ích và khả năng hiện diện cũng như sức mạnh của nó khắp thế giới”, ông Hendrix nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.