(iHay) Trong con hẻm nhỏ, các tài xế trên những chiếc xe máy 3 bánh từ từ ùa ra các ngả đường Sài Gòn, bắt đầu một ngày làm việc mới hăng say.
>> Học nhảy trên xe lăn ở Sài Gòn
|
Sau chặng hành trình rong ruổi khắp đường phố Sài Gòn, nơi các xe này trở về là Hội quán Đời Rất Đẹp.
Hỏi ra mới biết, những chiếc xe đặc biệt và những chuyến xe ôm miễn phí này nằm trong dự án “Hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật – Motobike taxi” do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển thực hiện, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc Koica và diễn đàn “Quyền” của cộng đồng người khuyết tật Hàn Quốc.
Chị Lương Thị Quỳnh Lan, quản lý dự án cho biết: “Ở Hàn Quốc cũng có chương trình tương tự nhưng họ không dùng xe 3 bánh mà dùng ôtô. Xét thấy taxi tốn nhiều chi phí hơn mà lại khó di chuyển trong nội thành TP.HCM nên chúng tôi đề nghị họ chia nhỏ số tiền tài trợ để mua 10 chiếc xe 3 bánh, mỗi chiếc có giá trị gần 35 triệu đồng. Thực tế cho thấy xe ôm 3 bánh lợi thế hơn taxi vì nó dễ dàng tiếp cận với người khuyết tật ở những nơi mà xe taxi khó vào được”.
|
Dự án “Motobike - taxi” ra đời với mong muốn tạo thêm cơ hội để người khuyết tật vượt qua rào cản môi trường, tiếp cận với giáo dục, việc làm và tham gia các hoạt động, nâng cao năng lực bản thân và cống hiến cho xã hội.
Hoạt động nhân văn này càng trở nên nhân văn hơn khi trong đội ngũ tài xế của dự án, có cả những người khuyết tật như anh Phương Định, anh Vương Vũ, chị Ái Mỹ, chị Như Ý.
“Vì đồng cảm với nhau nên tài xế và khách dễ nói chuyện và kết thân hơn. Trở ngại lớn nhất là khi đường ngập nước hoặc trời mưa, nhưng mà mình cứ tránh những con đường đó hoặc mưa to quá thì chủ động báo khách dời lịch hẹn, hầu như khách hàng đều hiểu và rất vui vẻ. Nói chung, tôi không gặp khó khăn nào đáng kể”, tài xế Phương Định chia sẻ.
|
Lê Văn Nam, một sinh viên lành lặn vừa mới tốt nghiệp khoa Công tác xã hội của trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn TP.HCM bày tỏ: “Khi mới tham gia vào dự án, tôi chỉ muốn có dịp cọ xát thực tế với ngành học của mình. Nhưng càng gần gũi với những khách hàng khuyết tật, tôi càng thấy thương mến và mong muốn giúp đỡ họ nhiều hơn”.
Nam cũng cho biết, khi mới bắt đầu làm quen với xe 3 bánh, bạn thấy rất khó điều khiển, vì đã quen với những phản xạ trên xe 2 bánh. Chính vì vậy, Nam và các tài xế của dự án đều phải tham gia lớp huấn luyện sử dụng xe 3 bánh và học cách giao tiếp, giúp đỡ người khuyết tật ở các dạng khác nhau.
|
Cũng có nhiều người thắc mắc “tại sao không để những tài xế không khuyết tật và dùng xe 2 bánh như bình thường để chở khách”. Anh Trương Huy Vũ, nhân viên kỹ thuật của dự án, giải đáp: “Khi ngồi trên xe 3 bánh, những hành khách khuyết tật sẽ có cảm giác yên tâm hơn. Mà xe 3 bánh thật sự cũng an toàn hơn xe 2 bánh vì sẽ không có trường hợp ngã xe. Khả năng bị lật xe vẫn có thể xảy ra, nhưng nếu chạy đúng tốc độ thì tuyệt đối an toàn. Tính đến nay, trong quá trình triển khai, dự án vẫn chưa xảy ra tai nạn nào”.
|
Được biết, tính đến tháng 7.2013 (thời điểm dự án được khởi động), TP.HCM có hơn 3.800 xe buýt hoạt động nhưng lại chỉ có 2 xe buýt dành cho người khuyết tật cùng khoảng trên 100 xe buýt sàn thấp và bán thấp khác. Con số này là quá ít so với số người khuyết tật có nhu cầu đi lại tại TP.HCM.
|
Chính vì lẽ đó, dự án “Motobike-taxi” đã nhận được nhiều ủng hộ của người khuyết tật nói riêng và cộng đồng nói chung.
Tuy nhiên tiền và lực của dự án vẫn khá hạn hẹp, nên chỉ mới ưu tiên phục vụ người khuyết tật vận động, khiếm thị và khiếm âm với những nhu cầu cần thiết nhất như học tập, làm việc và tham gia các hoạt động sinh hoạt dành cho người khuyết tật trong phạm vi trung tâm TP.HCM.
Theo bạn Kim Phụng và Nguyễn Thị Thơm, những người trực tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, mỗi tuần chương trình nhận cuộc gọi của khoảng 40-50 khách hàng. Mặc dù rất muốn phục vụ hết tất cả "đơn đặt hàng" nhưng các bạn phải chọn lọc lại theo điều kiện của dự án vì không đủ xe và người để phục vụ.
|
Chị Quỳnh Lan cũng chia sẻ thêm: “Tháng 1 vừa qua, dự án đã có buổi tổng kết 6 tháng thử nghiệm và Koica đã quyết định tiếp tục hỗ trợ dự án trong 3 năm tới (từ năm 2014 đến năm 2016). Nghĩa là trước mắt, chương trình vẫn hỗ trợ miễn phí cho người khuyết tật, nhưng sau này sẽ phải thu phí. Tuy nhiên, lệ phí sẽ rất thấp”.
Nhìn lại những gì mà chương trình đã làm được cùng tâm huyết của những người thực hiện, có lẽ ai cũng mong rằng sẽ có nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ dự án “Motobike-taxi” để mỗi ngày trong con hẻm nhỏ, người ta vẫn thấy hình ảnh những tài xế cần mẫn trên chiếc xe máy 3 bánh, từ từ ùa ra các ngả đường bắt đầu công việc thiện nguyện đầy ý nghĩa của mình.
Phạm Như Quỳnh
Ảnh: DRD
>> Trấn Thành chạy xe ôm, đưa đón Ốc Thanh Vân lên... sân khấu
>> Bắt gặp Vũ Hoàng Điệp bỏ xế tiền tỉ, ngồi xe ôm đi sự kiện
>> Angela Phương Trinh, hành trình từ xe ôm đến 'xế' xịn
>> Xôn xao về nhóm nữ sinh chạy xe ôm
>> Chàng "xe ôm Tây" bỗng dưng thành "hot boy
Bình luận (0)