“Taxi cấp cứu”

11/11/2011 09:29 GMT+7

Nếu cấp cứu ban đầu tại cộng đồng được thực hiện đúng cách, kịp thời sẽ góp phần giảm 30% trường hợp tử vong và hạn chế biến chứng. Khi hệ thống cấp cứu ngoại viện chưa hoàn thiện, thì “taxi cấp cứu” là giải pháp tình thế có thể thực hiện.

Nếu cấp cứu ban đầu tại cộng đồng được thực hiện đúng cách, kịp thời sẽ góp phần giảm 30% trường hợp tử vong và hạn chế biến chứng. Khi hệ thống cấp cứu ngoại viện chưa hoàn thiện, thì “taxi cấp cứu” là giải pháp tình thế có thể thực hiện.

Các thông tin trên được báo cáo, thảo luận tại hội thảo khoa học về cấp cứu ngoại viện, do Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP.HCM phối hợp Hội Hồi sức cấp cứu Pháp - Việt tổ chức hôm qua 10-11.

 
Lực lượng cấp cứu ngoại viện Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (115) vận chuyển cấp cứu một bệnh nhân - Ảnh: Thùy Dương

Chỉ 16% người dân biết đến 115

Cấp cứu ngoại viện còn nhiều hạn chế

Cấp cứu ngoại viện tại TP còn nhiều tồn tại, chưa khắc phục được, đó là chưa phủ kín và thường trực tại các địa bàn “nóng”; chưa thiết lập quy chế hoạt động cấp cứu chuyên trách; nhân sự cho hệ thống cấp cứu ngoại viện vừa thiếu trầm trọng lại chưa được huấn luyện, đào tạo chuyên nghiệp; đầu tư trang thiết bị cho công tác cấp cứu ngoại viện vẫn còn nhiều hạn chế...

Để khắc phục các hạn chế này, theo TS Huy là phải xây dựng, đầu tư Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương thật sự là trung tâm cấp cứu được trang bị đủ các loại hình và thiết bị phục vụ cấp cứu chuyên nghiệp, hiện đại về phương tiện vận chuyển cấp cứu (ôtô, canô, trực thăng), hệ thống thông tin liên lạc (bộ đàm, điện thoại vệ tinh, Internet, hệ thống định vị toàn cầu), xe chỉ huy cấp cứu di động, hệ thống máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và điều trị hiện đại. Đồng thời phải điều chuyển, tăng cường cán bộ y tế cho khối cấp cứu.

Xây dựng và hoàn thiện trung tâm cấp cứu TP, thành lập trung tâm chống độc TP, trung tâm hồi sức tăng cường chuyên sâu; xây dựng, củng cố và phát triển một số khoa có cơ cấu mặt bệnh cấp cứu phổ biến như chấn thương (sọ não, lồng ngực, tổng quát, chấn thương chỉnh hình, bỏng...), đơn vị can thiệp tim mạch, đơn vị đột quỵ.

Theo bác sĩ David Trần - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Pháp Việt (FV), TP.HCM, dù hệ thống cấp cứu 115 của Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương thực hiện tiếp nhận điện thoại cấp cứu 24/24, đội cấp cứu ngoại viện có khoảng 10 xe cấp cứu, nhưng người dân TP còn ít biết do thông tin về dịch vụ cấp cứu ngoại viện 115 còn hạn chế. Một khảo sát cho thấy mới 16% người dân biết có dịch vụ cấp cứu ngoại viện của TP và chỉ 32% người dân biết 115 là số điện thoại gọi cấp cứu. Vì vậy, 46% người dân tự đưa người thân đi cấp cứu và 67% người nghĩ tự đi sẽ nhanh hơn gọi dịch vụ xe cấp cứu. Than phiền chủ yếu của người dân khi gọi cấp cứu là thời gian chờ đợi xe cấp cứu đến còn lâu. Hiện đa số người dân chọn cách vận chuyển bệnh nhân bằng taxi hoặc ôtô.

Một khảo sát năm 2009 về các trường hợp ngưng tim trước khi đến được Bệnh viện FV cho thấy chỉ có 17% bệnh nhân đi bằng xe cấp cứu, 83% bệnh nhân còn lại đến bằng ôtô (hầu hết bằng taxi). Việc vận chuyển bệnh nhân, nạn nhân bởi những người không có chuyên môn có nguy cơ làm nặng thêm tổn thương trên đường đến bệnh viện, nhất là với những trường hợp bị chấn thương tủy sống, tắc nghẽn đường thở, sặc... Trong khi đó, TS.BS Đỗ Quốc Huy - phó giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương - cho biết nếu cấp cứu ban đầu tại cộng đồng đúng cách, kịp thời sẽ góp phần cứu sống được rất nhiều bệnh nhân, kéo giảm tới 30% trường hợp tử vong và hạn chế các biến chứng.

Theo TS Huy, mỗi ngày có hơn 1.000 bệnh nhân cần cấp cứu ngoài bệnh viện. Trong đó những bệnh lý cấp tính như nhồi máu cơ tim, cơn tăng huyết áp, đột quỵ, ngộ độc thực phẩm... và các cấp cứu do tai nạn thương tích gây ra như đả thương, các chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Thế nhưng, trung bình hằng năm cấp cứu 115 nhận hơn 6.000 cuộc gọi cấp cứu, với khoảng 5.000 ca cần cấp cứu.

Số cuộc gọi cho 115 và số bệnh nhân được cấp cứu tại cộng đồng hằng năm còn rất hạn chế, không tương xứng với nhu cầu thực tế. Phần lớn bệnh nhân có bệnh lý cấp tính hoặc tai nạn thương tích cần được trợ giúp, cấp cứu tại cộng đồng đều được gia đình hoặc người dân tự chuyển đến cấp cứu tại các bệnh viện bằng các phương tiện taxi, xe máy... Đáng tiếc hơn, nhiều bệnh nhân được đưa tới bệnh viện không được sơ cứu, vận chuyển và điều trị đúng cách để lại biến chứng nặng, làm khó khăn trong điều trị sau này.

Cần tập huấn cho tài xế taxi

Trong khi chờ đợi hệ thống cấp cứu ngoại viện được đầu tư, nâng cấp, bác sĩ David Trần nói có thể giải quyết các vấn đề này bằng biện pháp tập huấn cấp cứu ban đầu (chương trình ngắn hạn) cho tài xế taxi; trang bị phương tiện cấp cứu tối thiểu cho mỗi taxi, như băng, gạc, nẹp cẳng tay, chân, cổ, dụng cụ đè lưỡi, găng tay. Việc tập huấn cấp cứu ban đầu cho tài xế taxi giúp họ biết cách bảo vệ bệnh nhân; biết cách chăm sóc vết thương, cố định xương gãy, cầm máu, đặt nẹp cố định chi, nẹp cổ như thế nào; biết cách đặt bệnh nhân vào ghế sau taxi; biết cách khai thông đường thở và đảm bảo thông khí đầy đủ cho nạn nhân; biết cách đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn trong khi chờ giúp đỡ của lực lượng cấp cứu chuyên nghiệp.

TS Huy cũng cho rằng ngoài việc đầu tư cho Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, nâng cao năng lực cấp cứu tại tuyến cơ sở, thì giải pháp nâng cao năng lực cấp cứu tại chỗ bằng việc huấn luyện kiến thức và kỹ năng cấp cứu y tế cho nhiều đối tượng trong cộng đồng là rất cần thiết, để có thêm nhiều lực lượng tham gia cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân tại hiện trường.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.