Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng taxi truyền thống cần phải chủ động các giải pháp để thích ứng trong cạnh tranh nhưng ông cũng kiến nghị cơ quan quản lý phải có chính sách bình đẳng, mà điển hình là mức thuế hiện quá chênh lệch giữa Uber, Grab được hưởng so với taxi truyền thống.
Câu chuyện cạnh tranh lành mạnh giữa taxi công nghệ như Uber, Grab với taxi truyền thống đã được đại biểu Nguyễn Phi Thường tập trung mổ xẻ khi phát biểu tại tổ Hà Nội trong phiên thảo luận về dự luật Cạnh tranh sáng 27.10.
|
"Sự phát triển của khoa học công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải. Công nghệ phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải nắm bắt thời cơ, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị để nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời mang lại thêm nhiều tiện ích, giá trị dịch vụ cho khách hàng", vị tiến sĩ chuyên ngành công nghệ giao thông mở đầu. Tuy nhiên, đại biểu lo ngại công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa theo kịp dẫn đến những bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và ổn định trật tự, an sinh xã hội.
"Ví dụ như việc quản lý thuế đối với Grab, Uber có nhiều bất cập, gây thất thu thuế cho ngân sách và gây bất bình đẳng khi mà taxi truyền thống phải nộp 10% thuế GTGT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi Grab, Uber và các doanh nghiệp tham gia mạng lưới này chỉ phải đóng 3% thuế GTGT và 2% thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Thường dẫn chứng.
Cùng với đó thì các điều kiện gia nhập thị trường và kiểm soát điều kiện kinh doanh của Uber, Grab cũng dễ dàng hơn nhiều so với taxi truyền thống như không khống chế số lượng xe, tự do đi vào các tuyến đường hạn chế xe taxi…
Và hệ quả là, với số lượng tăng chóng mặt số phương tiện, nhất là tại hai đô thị lớn đã gây nên áp lực nặng nề đối với giao thông ở Hà Nội và TP.HCM. "Nếu đầu 2016, tại TP.HCM chỉ có trên 300 xe dưới 9 chỗ đăng ký chạy hợp đồng thì đến tháng 4.2017 con số này đã tăng lên trên 22.000 xe, gấp 73 lần", ông Thường minh họa.
Từ đó, vị đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng một mặt taxi truyền thống cần tăng cường ứng dụng công nghệ, chủ động các giải pháp để thích ứng, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích cho khách hàng như xây dựng các phần mềm công nghệ kết nối, liên kết các đơn vị thành lập sàn giao dịch taxi chung để nâng cao hiệu quả khai thác phương tiện, giảm giá thành và giá cước vận tải.
"Nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các quy định cụ thể, chặt chẽ để quản lý và kiểm soát các loại hình vận tải; đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong kinh doanh", ông Thường kiến nghị.
tin liên quan
Hiệp hội taxi Hà Nội đề xuất lái xe Uber, Grab phải mặc đồng phụcSau đề xuất dừng khẩn cấp thí điểm Uber, Grab bị phản ứng mạnh, Hiệp hội taxi Hà Nội lại tiếp tục kiến nghị quản lý Uber, Grab như taxi truyền thống, từ tem dán, logo đến đồng phục lái xe.
Bình luận (0)