Taxi, Uber đến Grabbike: Những chuyện hậu trường - Kỳ 3: ‘Thông điệp’ công nghệ cho cuộc sống

(TNO) Mặc dù vẫn chưa chính danh, còn gây tranh cãi và tồn tại cả những khuyết điểm, nhưng theo các chuyên gia về công nghệ thông tin lẫn một số hãng taxi, 'làn sóng Uber' vừa qua chính là thông điệp và bài học để các hãng taxi thay đổi cách thức điều hành phục vụ khách hàng.

(TNO) Mặc dù vẫn chưa chính danh, còn gây tranh cãi và tồn tại cả những khuyết điểm, nhưng theo các chuyên gia về công nghệ thông tin lẫn một số hãng taxi, 'làn sóng Uber' vừa qua chính là thông điệp và bài học để các hãng taxi thay đổi cách thức điều hành phục vụ khách hàng.

Ông Trần Mạnh HiệpÔng Trần Mạnh Hiệp - Ảnh: Thành Luân
Tốt đấy nhưng vẫn còn dở đấy
Ông Trần Mạnh Hiệp, quản trị diễn đàn tinhte.vn, nói: Ở góc độ khách hàng, tôi thấy hiện các hãng taxi vẫn còn áp dụng cách điều hành truyền thống. Taxi ở TP.HCM được điều hành tốt nhất nhưng vẫn chưa khiến khách hàng hài lòng. Phần lớn khách từ sân bay Tân Sơn Nhất khi đón taxi về nhà lúc nào cũng phải trả tiền nhiều hơn so với quãng đường thực tế.
“Hay như taxi Vinasun, Mai Linh vốn được đánh giá là 'đi được' nhưng khi lên xe, khách vẫn có cảm giác ồn ào, xe chưa được cao cấp lắm. Như vậy rõ ràng khách cần một cái gì đó mới. Khi Uber vào Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của khách, dịch vụ lịch sự hơn, giá cả hợp lý hơn thì người ta thích hơn thôi”, ông Hiệp nói.

Tôi nghĩ dịch vụ như Uber dễ quản lý về thuế hơn chứ. Anh đi bao nhiêu đều trả qua thẻ, nhà nước cứ dựa vào đó mà thu và quản lý thôi. Còn như hiện tại đi taxi trả tiền mặt rất khó kiểm soát

Ông Trần Mạnh Hiệp

Lý giải việc tại sao Uber lại làm được điều đó, ông Hiệp cho rằng thực chất Uber chỉ là phía trung gian giúp tài xế và người đi gặp nhau. “Với Uber, trung gian của họ chính là sử dụng công nghệ để kết nối khách hàng. Công nghệ mà Uber sử dụng không có gì là khó cả. Vấn đề là ý tưởng và ai làm trước, ai làm sau mà thôi. Còn hệ thống trung gian, điều hành của taxi hiện rất cồng kềnh, bao năm nay vẫn vậy, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới”, ông Hiệp nhận định.
Trong cuộc tranh luận bất tận về Uber, loại hình dịch vụ này vẫn tồn tại nhiều hạn chế mà các hãng taxi truyền thống vẫn đang làm tốt. Những câu chuyện như: phí bảo hiểm, an toàn cho hành khách và tài sản, thất thu thuế, ít xe, chỉ có ở các quận trung tâm… được nhiều hãng taxi truyền thống trưng ra để thấy rằng Uber vẫn còn đấy những nhược điểm.
Mới đây nhất, giới hành khách tại Úc đã ‘điên tiết' khi Uber đột ngột tăng giá cước lên gấp 4 lần so với bình thường cho những ai muốn thoát khỏi khu vực xảy ra vụ khống chế con tin trong quán cà phê Lindt tại Martin Place ở quận trung tâm tài chính (CBD) của thành phố Sydney, Úc.
Cũng trong vụ đó, giá taxi Uber từ Martin Place đến sân bay Sydney thông thường chỉ dưới 100 USD, nhưng trong ngày 15.12 tăng lên 145 - 185 USD.
Lý giải của Uber thật đơn giản khi mà nhu cầu đi lại càng cao thì sẽ phải trả giá càng cao (khi đó cùng lúc nhiều người muốn thoát ra khỏi khu vực bắt cóc con tin), nhưng việc tăng giá gấp 4 lần mức giá thông thường trên đã bị chỉ trích nặng nề. Ngay sau đó, Uber đã lập tức tuyên bố tất cả tài xế taxi Uber ở Martin Place sẽ phục vụ miễn phí và khách hàng nào bị tính tiền cao hơn mức thông thường sẽ được hoàn tiền.
Ở Việt Nam, các hành khách chưa rơi vào tình huống đó, tuy nhiên về lâu dài chuyện này sẽ không còn là hiếm. Đây chính là một yếu tố quan trọng để các hãng taxi truyền thống vẫn cạnh tranh được với “đối thủ” công nghệ này.
Không chỉ Uber mà hiện GrabTaxi cũng nhảy vào thị trường taxi Việt Nam Không chỉ Uber mà hiện GrabTaxi cũng nhảy vào thị trường taxi Việt Nam - Ảnh: Thành Luân
Theo ông Hiệp, với các hãng taxi đang sử dụng hệ thống điều hành taxi cũ, ngốn chi phí trong một thời gian dài, nếu chịu tiếp cận công nghệ, chính các hãng taxi mới là người mở ra những dịch vụ như Uber.
“Sau chuyện này, tôi nghĩ các hãng đã nhìn thấy vấn đề và sẽ có sự thay đổi. Tôi nghĩ nhiều hãng sẽ mở ra dịch vụ như Uber. Thế mạnh của các hãng taxi là có trong tay một lượng lớn xe có sẵn nên có thể áp dụng công nghệ tương tự. Và công nghệ như Uber, các nhà lập trình trong nước vẫn có thể làm được”, ông Hiệp đánh giá.
Thay đổi cách điều hành cũ
Một lãnh đạo (đề nghị giấu tên) của hãng taxi Mai Linh cho biết thời gian qua, bỏ đi khía cạnh pháp lý ồn ào, dịch vụ của Uber đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khi tạo ra nhiều tiện ích, nhanh hơn, rẻ hơn cho người dùng.
“Bản chất của Uber không phải là taxi, mà chỉ là phía đứng giữa kết nối tài xế với khách hàng. Tuy nhiên so với dịch vụ xe Uber, các hãng taxi hiện đang chịu nhiều loại thuế, tiêu biểu là thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% và được tính vào chi phí nên giá cước taxi cao hơn xe Uber”, vị này nói.
Uber liên tục lùi lịch hẹn
Hiện đại diện Uber tiếp tục lùi lịch hẹn với Bộ Giao thông vận tải từ 15.12 sang 22.12. Trước đó, sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu nghiên cứu bổ sung căn cứ pháp lý để hợp pháp hóa hoạt động của Uber tại Việt Nam, đại diện công ty này đã đặt lịch hẹn với Bộ vào 8.12, nhưng sau đó đã đột ngột đổi ngày sang 15.12. Theo ông Trường, việc tiếp tục dời lịch lần nữa do Uber muốn trực tiếp được gặp Bộ trưởng Thăng. (Mai Hà)
Theo vị này, hiện taxi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên đi sau nó là hệ thống điều hành, dịch vụ khá cồng kềnh như hệ thống sửa chữa, bảo dưỡng, tổng đài… nên chi phí khá cao. Trong khi đó, Uber chỉ đơn giản là sử dụng hệ thống xe nhàn rỗi trên thị trường nên giá cước sẽ thấp hơn.
“Tuy có nhiều tiện ích như vậy nhưng những nước phát triển hay công nghệ thông tin vượt bậc như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật… vẫn cấm Uber. Ở các nước này, taxi truyền thống vẫn tồn tại và phát triển”, lãnh đạo taxi Mai Linh nói.
Theo vị này, làn sóng Uber như vừa qua là điều để các hãng taxi trong nước học hỏi, từ đó thay đổi cách điều hành, giảm chi phí nếu muốn tồn tại trong xu thế công nghệ thay đổi như vũ bão và ảnh hướng tới mọi lĩnh vực.
Ông Nguyễn Duyên Hiếu, Giám đốc taxi Dầu khí, cho hay bộ máy điều hành của taxi truyền thống khá cồng kềnh là để đáp ứng taxi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Còn xe của Uber sử dụng đa mục đích và chở khách chỉ khi xe nhàn rỗi.
“Tuy nhiên đây cũng là thách thức cho các hãng taxi nếu muốn tồn tại”, ông Hiếu nói.
Trao đổi với Thanh Niên Online, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết khó khăn lớn nhất trong quản lý hoạt động taxi Uber tại Việt Nam hiện nay là nắm được các doanh nghiệp vận tải ký hợp đồng liên kết với Uber.
"Các doanh nghiệp này phải đăng ký dịch vụ taxi, có số xe, hóa đơn... để cơ quan chức năng quản lý, thu thuế được", ông Trường nói.
Tuy nhiên, việc yêu cầu các doanh nghiệp liên kết với Uber phải đăng ký hoạt động như taxi có thể khiến ưu thế cạnh tranh về giá của loại hình này giảm đi khá nhiều.
Về vấn đề này, theo ông Trường, mặc dù đăng ký hoạt động như taxi, nhưng các doanh nghiệp này được tự quyết định giá vé có thể bằng hoặc thấp hơn mặt bằng giá taxi hiện tại. Việc yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký để đảm bảo an toàn, cũng như các vấn đề pháp lý liên quan về bảo hiểm cho hành khách... Uber sẽ phải thông báo đầy đủ các hãng liên kết để Bộ quản lý và kiểm tra hoạt động.
Hệ thống điều hành của các hãng taxi hiện vẫn cồng kềnh. Trong ảnh là người điều hành một điểm đón khách của taxi. Trong khi đó, với dịch vụ Uber, khi cần chỉ cần mở điện thoại để chọn xe.Hệ thống điều hành của các hãng taxi hiện vẫn cồng kềnh.Trong ảnh là người điều hành một điểm đón khách của taxi Mai Linh. Trong khi đó, với dịch vụ Uber, khách hàng khi cần chỉ phải mở smartphone để chọn xe - Ảnh: Độc Lập
"Chủ trương của Bộ là mở nhưng rất rõ ràng, ủng hộ một loại hình taxi mới trên cơ sở đảm bảo quyết định vận tải hàng hóa và dịch vụ taxi", ông Trường nói.
Mặt khác, đằng sau vấn đề pháp lý hóa cho Uber còn là câu chuyện quản lý thế nào giữa xe taxi đăng ký có nhãn mác và xe đăng ký không nhãn mác (Uber và các loại hình khác). Theo ông Trường, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hoạt động này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.