Tây Ban Nha đã mở đầu chuỗi công nhận của bộ ba nước châu Âu về Nhà nước Palestine với thông báo từ Ngoại trưởng José Manuel Albares tại cuộc họp báo ở Madrid hôm 28.5, theo AFP.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia ngay trước khi nội các họp, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định việc công nhận là phương thức duy nhất để thực hiện giải pháp tiến tới tương lai hòa bình cho Trung Đông: một Nhà nước Palestine cùng tồn tại với Nhà nước Israel trong hòa bình và an ninh.
Tòa án Thế giới ra lệnh cho Israel ngừng tấn công Rafah
Kế đến, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide tuyên bố nước này chính thức công nhận tư cách Nhà nước của Palestine, gọi đây là cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Na Uy và Palestine.
"Cộng đồng quốc tế phải gia tăng sự ủng hộ chính trị và kinh tế cho Palestine, và tiếp tục thực thi giải pháp hai nhà nước", ông bổ sung.
Sau đó, đến lượt Ireland ra tuyên bố tương tự và thúc giục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu "hãy lắng nghe thế giới và ngừng ngay thảm họa nhân đạo mà chúng ta đang chứng kiến ở Gaza".
Thủ tướng Ireland Simon Harris nói nước này cùng hành động với Tây Ban Nha và Na Uy "giữ cho phép màu mang tên hòa bình được tiếp diễn".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Albares cho biết cả ba chính phủ Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy sẽ đưa ra phản ứng chung trước những động thái khiêu khích đến từ Israel sau khi ba nước công nhận Nhà nước Palestine.
Tính đến thời điểm hiện tại, có đến 145 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc công nhận tư cách Nhà nước Palestine.
Vào tháng 4, Mỹ, đồng minh của Israel, sử dụng quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn nỗ lực của Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc.
Bình luận (0)