Tay điện tử thế hệ mới

09/02/2014 03:15 GMT+7

Với tay giả điện tử thế hệ mới, một người bị đoạn chi đã khôi phục được cảm giác khi cầm một vật thể trên tay.

Tay giả mang lại khả năng cầm nắm và cảm giác được vật thể - Ảnh: LifeHand 2
Tay giả mang lại khả năng cầm nắm và cảm giác được vật thể - Ảnh: LifeHand 2 

Sau nhiều năm nỗ lực, các chuyên gia châu u đã thành công khi chế tạo một cánh tay giả giúp mang lại những xúc cảm thật sự cho người bị mất tay. Đây được xem là thành tựu mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu chi giả cho phép người tàn tật kiểm soát được các bộ phận nhân tạo bằng ý nghĩ, và thao tác các vật thể ngày càng khéo léo hơn.

Theo báo cáo đăng trên chuyên san Science Translational Medicine, cánh tay giả thế hệ mới là công trình hợp tác giữa chuyên gia Silvestro Micera (Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ) với đồng sự thuộc Viện Robot sinh học ở Ý. Các nhà khoa học đã trang bị một hệ thống gồm nhiều cảm biến cho tay giả nhằm xác định độ co giãn của một vật thể cũng như hình dạng của nó, và chuyển toàn bộ thông tin ghi nhận được thành tín hiệu điện tử phù hợp với khả năng giải mã, xử lý của hệ thần kinh người.

Các chuyên gia đã thử nghiệm cánh tay giả trên trong vòng 1 tháng hồi năm ngoái với sự hợp tác của một tình nguyện viên tên Dennis Aabo Sorensen, 36 tuổi, công dân Đan Mạch. Chỉ tính riêng việc cấy các điện cực cũng mất từ 7 đến 8 giờ giải phẫu. Sau khi hoàn tất, hệ thống chạy trơn tru, ít nhất là theo đánh giá của người đang dùng thử cánh tay giả. “Thật tuyệt khi đột nhiên tôi có thể tìm lại cảm giác đã mất đi trong 9 năm qua”, Sorensen nói. Dù không thể khôi phục được 100% xúc giác, nhưng ông Sorensen đã cảm nhận được vật thể đang cầm trên tay mềm hay cứng, tròn hay vuông. Được biết, bàn tay và một phần cánh tay của ông này đã bị thổi bay trong lúc đốt pháo bông ăn mừng đêm giao thừa năm 2004.

Hiện bàn tay hoạt động bằng cách gói gọn thông tin về cấu trúc và hình dạng của vật thể đến một vi mạch máy tính. Kế đến con chip này sẽ sắp xếp lại dữ liệu theo định dạng phù hợp với sức hiểu của hệ thần kinh ngoại biên. Bốn điện cực nhỏ, siêu mỏng (nằm dưới dây thần kinh xương trụ và động mạch giữa dây thần kinh ở cánh tay trái) truyền tín hiệu thu được đến hệ thần kinh ngoại biên. Sorensen điều khiển chuyển động bằng cách co thắt các cơ ở cánh tay dưới. Đây cũng là lần đầu tiên chi giả có khả năng chuyển thông tin xúc giác đến não người nhận thông qua các điện cực được cấy bên dưới da.

Theo đánh giá của các chuyên gia, phát minh này có thể thúc đẩy sự ra đời của một thế hệ chi giả sinh học thông minh, giúp cung cấp những thông tin thực tế, tức thời về môi trường xung quanh.

Giáo sư Micera cho hay bước kế tiếp là xúc tiến một vụ cấy ghép mới trong vòng 2 năm nữa, mục tiêu là kéo dài thời gian thử nghiệm trong nhiều tháng hoặc vài năm, đồng thời thu nhỏ các thiết bị liên quan, cho phép người nhận dễ dàng mang theo tay giả trong mọi hoạt động thường ngày. Bên cạnh đó, chuyên gia Alastair Ritchie của Đại học Nottingham (Anh) cho rằng khả năng học hỏi ấn tượng của não bộ sẽ giúp người dùng ngày càng thành thạo hơn khi sử dụng tay giả.

Hạo Nhiên

>> Hữu dụng của tay giả
>> Lắp ghép điện thoại vào cánh tay giả
>> Điều khiển tay giả bằng ý nghĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.