Lợi ích của những công trình này thì rất nhiều, nhưng việc xây dựng thiếu đồng bộ, nhiều công trình đang xuống cấp, nước từ các dự án thủy điện chuyển về lưu vực ngoài vùng... đang làm nguy cơ nguồn nước Tây nguyên cạn kiệt, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
TS Đào Trọng Tứ (Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) cho biết 4 dòng sông lớn nhất của Tây nguyên là Sêrêpôk, Sê San, sông Ba và Đồng Nai có tổng lượng nước mặt trung bình năm gần 50 tỉ m3, hiện có 190 thủy điện lớn nhỏ được xây dựng trên sông chính và các nhánh sông. Từ đó, các sông lớn của Tây nguyên bị thủy điện chia cắt và gần như không còn là dòng sông mà trở thành hệ sinh thái hồ với dòng chảy lững lờ.
Theo GS-TSKH Đặng Trung Thuận và thạc sĩ Trịnh Phương Ngọc (Hội Địa chất VN), nguồn nước Tây nguyên dồi dào nhưng trong quá trình hoạt động thủy điện đã chuyển nước từ Tây nguyên sang lưu vực khác, làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt nước ở đây. Theo đó, hiện có 4 công trình thủy điện lớn gồm Đăk Đrinh (Kon Tum), An Khê - Ka Nak (Gia Lai), Đa Nhim và Đại Ninh (Lâm Đồng) và sắp đến là thủy điện Thượng Kon Tum đã chuyển nước từ Tây nguyên về miền Trung với khối lượng lớn 130 m3/giây. Như vậy, mỗi năm Tây nguyên mất 2,9 tỉ m3 nước, gây thiếu hụt nước và nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng vào mùa khô.
Điển hình như thủy điện An Khê - Ka Nak đã làm dòng sông Ba chảy qua TX.An Khê (Gia Lai) bị cạn khô và ô nhiễm nguồn nước; trạm bơm Củng Sơn ở tỉnh Phú Yên không có nước tưới ruộng và hạ du sông Ba lượng thủy sinh giảm đi. Theo tính toán, mỗi năm có nước của sông Ba đổ về sông Côn (Bình Định), gây cảnh thiếu nước tưới của hàng chục ngàn héc ta của 6 huyện và thị xã của tỉnh Gia Lai; 400.000 người sống và hưởng lợi dọc lưu vực sông Ba phải gánh chịu ô nhiễm nguồn nước.
Cần xây đập trữ nước
Theo GS-TSKH Đặng Trung Thuận, do nguồn nước biến đổi theo mùa trong năm, nên Tây nguyên có lúc thừa nước, lúc thiếu nước. Trong khi đó, nước dưới lòng đất của Tây nguyên là hữu hạn, được bổ sung hằng năm nhờ vào mùa mưa, nhưng do là vùng thượng nguồn, ít có công trình giữ nước nên hằng năm lượng nước giữ lại không đáng kể.
Những năm gần đây, nhất là năm 2016, nhiều công trình khai thác mạch nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt đã khai thác quá mức nguồn nước trong lòng đất, làm giảm trữ lượng nước và hạ thấp mực nước dưới đất, dẫn đến cạn kiệt là điều đáng lo.
“Tây nguyên cần phải xây đập, tạo ra các hồ hệ thống quy mô nhỏ để trữ nước vào mùa mưa và sử dụng vào mùa khô, xem đó là giải pháp mang tầm chiến lược nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bối cảnh địa phương”, GS-TSKH Đặng Trung Thuận nêu giải pháp.
TS Lê Anh Tuấn, Trường đại học Cần Thơ, cho rằng muốn cân bằng, đảm bảo sinh thái, Tây nguyên cần giữ ít nhất 60% nguồn nước tự nhiên. Vì vậy, cần thành lập ủy ban quản lý các lưu vực sông nhằm phối hợp và thống nhất các giải pháp quy hoạch, quản lý nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm, phòng chống thiên tai, duy trì dòng chảy môi trường, tăng hợp tác quốc tế và chia sẻ nguồn nước là quan trọng và cần thiết từ bây giờ.
Không nên xây thêm thủy điện
TS Đào Trọng Tứ cho rằng làm thủy điện phải trả giá rất đắt về mất đất nông nghiệp và đất rừng. Theo tính toán, 25 thủy điện lớn đã và đang xây dựng trên 4 sông lớn của Tây nguyên đã chiếm dụng 68.195 ha đất; phải chuyển đổi 80.000 ha đất các loại cho thủy điện; có 25.712 hộ dân bị ảnh hưởng, di dời.
Trong khi đó, quy định các dự án thủy điện buộc phải trồng rừng thay thế, nhưng thực tế đến nay chỉ có trên 757/22.770 ha rừng được trồng lại. Đó là chưa kể từ năm 2008 - 2014, Tây nguyên mất đi 358.700 ha rừng (51.200 ha rừng bị mất/năm).
Kéo theo là hệ thống sông ngòi, suối, hồ chứa nước đang cạn kiệt và theo thống kê của Ban Chỉ đạo Tây nguyên, đến tháng 4.2016, 5 tỉnh Tây nguyên có 160.000 ha cây trồng thiếu nước tưới, mỗi tỉnh thiệt hại không dưới 100 tỉ đồng.
“Thủy điện đã làm hệ lụy đến môi trường sinh thái, sinh kế người dân nên Tây nguyên không nên tiếp tục xây dựng thủy điện”, TS Đào Trọng Tứ đề xuất.
|
Bình luận (0)