Tây Ninh đẩy mạnh hạ tầng giao thông tạo cú hích cho kinh tế

26/11/2024 16:18 GMT+7

Nhận thấy sự quan trọng của việc liên kết các địa phương trong tỉnh và vùng, tỉnh Tây Ninh đã đẩy mạnh các dự án phát triển hạ tầng giao thông...

Lực lượng chức năng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đường Nguyễn Chí Thanh nối dài (TP.Tây Ninh)

Lực lượng chức năng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đường Nguyễn Chí Thanh nối dài (TP.Tây Ninh)

ẢNH: THANH QUÂN

Nhiều tiềm năng phát triển

Tây Ninh có đường biên giới dài gần 234km tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia (Svay Rieng, Prey Veng, Tboung Khmum). Tỉnh có 3 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam), 3 cửa khẩu quốc gia (Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân) cùng 10 cửa khẩu phụ.

Bên cạnh đó, dù còn ít được nhắc đến trên bản đồ du lịch quốc tế song Tây Ninh hiện là "viên ngọc ẩn" dành cho du khách nước ngoài đam mê khám phá văn hóa bản địa, di tích lịch sử chiến tranh VN và các di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, địa phương này còn sở hữu ngọn núi cao nhất Nam bộ - núi Bà Đen với độ cao 986m, được mệnh danh "đệ nhất thiên sơn" với nhiều huyền tích linh thiêng. Trong 5 năm, núi Bà Đen đã vươn lên vào top điểm đến hút khách nhất Nam bộ.

Có thể thấy Tây Ninh có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nếu được thông thương một cách bài bản. Vì vậy, những năm gần đây nhiệm vụ trọng tâm của ngành GT-VT là tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm của T.Ư cũng như tỉnh đầu tư trên địa bàn. Qua đó, tăng kết nối Tây Ninh với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và liên vùng.

Một trong những dự án trọng điểm của Tây Ninh và TP.HCM có ý nghĩa liên kết vùng là dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Hiện 2 địa phương phối hợp hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi gửi các cơ quan T.Ư thẩm định, trước khi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài khoảng 50km, trong đó đoạn qua địa bàn TP.HCM dài 23,7km, đoạn qua Tây Ninh dài 26,3km. Dự kiến, sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tiến hành khởi công dự án (dự kiến tháng 5.2025), hoàn thành và thông xe vào tháng 12.2027.

Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện. Dự án có quy mô 4 làn xe, chiều dài toàn tuyến 72,1km, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dài 28km, điểm đầu giao với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (H.Gò Dầu), điểm cuối giao với đường ĐT.781 tại H.Dương Minh Châu; giai đoạn 2 từ điểm giao đường ĐT.781 đến Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, tổng chiều dài 44,062km.

TP.Tây Ninh đang phát triển nhanh nhờ hạ tầng giao thông liên tục được nâng cấp

TP.Tây Ninh đang phát triển nhanh nhờ hạ tầng giao thông liên tục được nâng cấp

ẢNH: THANH QUÂN

Tập trung xây dựng hạ tầng giao thông

Theo Sở GT-VT, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông làm chủ đầu tư 18 dự án, vốn kế hoạch là 6.005 tỉ đồng; đến nay đã triển khai thực hiện đầu tư 17/18 dự án, giải ngân 3.559/4.418 tỉ đồng tổng vốn đã giao, đạt 80,55% kế hoạch cả nhiệm kỳ. Hiện tại đưa vào khai thác sử dụng 9 dự án, đang thực hiện đầu tư 8 dự án.

Trong năm 2025, tiếp tục thực hiện các dự án giao thông trọng điểm chuyển tiếp bao gồm: đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, trong đó có dự án thành phần 3 - đường ĐT.789; dự án thành phần 1 - đường N8; chỉnh trang đường Cách Mạng Tháng Tám từ cầu Quan đến đường Điện Biên Phủ; nâng cấp đường kết nối với Cửa khẩu quốc tế Tân Nam, đường Trường Chinh, đường Bời Lời.

Ông Đặng Hoàng Chương, Phó giám đốc Sở GT-VT cho biết Tây Ninh nằm ở vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ biên giới của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo Đề án rà soát thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030; Tây Ninh hoàn thành các tuyến giao thông kết nối với vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây nguyên, như: cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường HCM, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).

Ngoài 2 tuyến quốc lộ đang được khai thác dài 132km (đường Xuyên Á hay quốc lộ 22 và quốc lộ 22B), tỉnh quy hoạch bổ sung thêm 3 tuyến quốc lộ khác (14C, 22C và 56B), nâng tổng chiều dài quốc lộ trên địa bàn tỉnh khoảng 478km (tăng 346km), mở ra cơ hội liên kết cho tỉnh Tây Ninh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phối cảnh dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Phối cảnh dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

ẢNH: THANH QUÂN

Thống kê 8 tháng đầu năm 2024, Tây Ninh đứng thứ 1 về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam bộ. Riêng du lịch Tây Ninh ước đạt 3,9 triệu khách, tăng 3,6% so cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.145 tỉ đồng, tăng 37,3% so cùng kỳ, đạt 93,3% so với kế hoạch. Để đạt điều này, tỉnh Tây Ninh đã tập trung thực hiện các chương trình đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; lĩnh vực du lịch; nông nghiệp; thể chế và nguồn nhân lực và chuyển đổi số.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.