Tây Ninh giám sát chặt người nhập cảnh đến từ vùng có dịch cúm A/H5N1

Giang Phương
Giang Phương
06/03/2023 14:46 GMT+7

UBND tỉnh Tây Ninh vừa có chỉ đạo tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cúm A/H5N1, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm hoặc đến từ vùng dịch.

Ngày 6.3, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cúm A/H5N1, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Tây Ninh: Giám sát chặt chẽ người nghi ngờ mắc bệnh cúm A/H5N1 từ vùng có dịch   - Ảnh 1.

Người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học

GIANG PHƯƠNG

Bộ NN-PTNT cho biết, tháng 2.2023, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng (có đường biên giới giáp tỉnh Tây Ninh), trong đó 1 trường hợp tử vong. Đây là những ca bệnh cúm A/H5N1 trên người mới nhất tại Campuchia kể từ năm 2014. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Ngoài ra, việc giao lưu thương mại giữa Việt Nam và các nước cũng tăng nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới vào địa bàn tỉnh Tây Ninh là những nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh cúm A/H5N1.

Tây Ninh: Giám sát chặt chẽ người nghi ngờ mắc bệnh cúm A/H5N1 từ vùng có dịch   - Ảnh 2.

Giết mổ động vật phải đảm bảo về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm

GIANG PHƯƠNG

Để chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh cúm A/H5N1 và lây nhiễm sang người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.

Đồng thời, các đơn vị tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đồng thời báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định hiện hành.

Do dịch bệnh cúm có nguy cơ lây nhiễm từ gia cầm sang người, UBND tỉnh đề nghị các đơn vị khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm như bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào địa bàn tỉnh.

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi tại các địa phương đã có dịch... Đặc biệt lưu ý đàn vật nuôi tại các khu vực có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin.

Trường hợp phát hiện các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay, đồng thời, trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.