Tây Ninh: Hàng trăm ha đất công bị phù phép thành của riêng

06/09/2005 00:01 GMT+7

Bài 1: Những cánh rừng cao su của "quan" Không chỉ lợi dụng các chủ trương của Nhà nước mà còn bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, hàng loạt quan chức cấp cao đương nhiệm cũng như đã về hưu của tỉnh Tây Ninh đã phù phép hàng trăm ha đất công thành của riêng. Phóng viên Báo Thanh Niên đã thâm nhập thực tế, tìm gặp người dân cũng như các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vụ việc.

Lần theo những lá đơn kêu cứu, vượt gần 200 km từ TP.HCM, chúng tôi đã đến một nơi có rừng cao su ngút ngàn tầm mắt, tọa lạc trên khu Bàu Rã thuộc địa bàn xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Khu rừng bạt ngàn - một tài sản kếch xù thời cao su sốt giá - này nằm ngay bên con đường lộ nhựa đủ rộng cho 2 xe tải thênh thang chạy. Những người dân địa phương ở đây cho biết đó chính là tài sản của không ít quan chức cấp cao của tỉnh. Chúng tôi rẽ vào lộ đất đỏ và lọt thỏm vào giữa khu rừng. Cao su phần lớn đã cho mủ được vài năm, được chăm bón và khai thác bởi những người làm thuê của các ông chủ giàu sụ ngoài tỉnh. Họ ăn ngủ tại lán trại và nhìn chúng tôi với cặp mắt thiếu thân thiện. Những khu đất được phân định sở hữu bằng một ký hiệu nào đó (cột rào, cây cao su có đánh dấu...). "Với những khu như vầy, giá hiện nay không dưới 100 triệu đồng một mẫu, nhất là lúc cao su được giá như hiện nay", một người dân cho biết khi chúng tôi vờ đóng vai người tìm mua đất. Trong khu này, những mảnh cao su rộng hàng chục ha, "đẹp" nhất đều của những cán bộ quyền cao chức trọng của tỉnh: ông T., H., N., L. bà G., M... Một số quan chức đã sang tay cho tư nhân hoặc nhờ người thân đứng tên để giấu tung tích. Cũng trên mảnh đất này, khoảng 10 năm trước, những người nông dân đã đổ mồ hôi, chấp nhận mọi gian khổ để khai phá. Họ phải đào xới từng gốc le, từng rễ cây chôn sâu dưới lòng đất để lấy đất trống trồng khoai và lúa, đậu... để mưu sinh. Những người này giờ phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Có người phải đi giữ trâu, bò cho người khác; có người phải đi nhặt phân bò khô; còn phần lớn thì làm bất cứ việc gì để nuôi sống bản thân và gia đình. Họ sống tạm bợ trong những căn nhà thiếu thốn mọi tiện nghi, cách khu rừng cao su không xa. Họ nói: "Chúng tôi đồng tình với chủ trương thu hồi đất của Chính phủ để phục vụ lợi ích công cộng (Chương trình 327) nhưng tuyệt đối không chấp nhận lấy đất mà chúng tôi khai phá giao cho các cá nhân khác mà chúng tôi biết rõ là quan chức và người giàu có. Khi thu hồi đất, họ nói sẽ giao lại cho chúng tôi sau khi san ủi, quy hoạch nhưng lại không giữ lời hứa". Việc gì đã xảy ra từ 10 năm trước?

Ngày 14/12/1993, UBND tỉnh Tây Ninh căn cứ vào thỏa thuận phê duyệt của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phê duyệt Dự án phát triển nông lâm công nghiệp Bàu Rã (huyện Tân Biên, Tây Ninh) do UBND tỉnh làm chủ dự án. Quy mô dự án là 5.380 ha gồm: 1.000 - 1.200 ha cao su, 200 ha điều, 1.900 ha rừng tự nhiên, 1.200 ha lúa...; tổng vốn đầu tư là 10.843,21 triệu đồng. Mục tiêu của dự án là sử dụng hiệu quả đất trống đồi trọc hình thành cơ cấu nông lâm nghiệp gắn liền phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng với tổng số hộ tham gia là 1.652 hộ. Tháng 6/1994 Ban Quản lý nông lâm công nghiệp Bàu Rã (gọi tắt là BQLDA) ra đời do ông Trần Văn Thành (Mười Thành) làm trưởng ban. Tháng 6/1995, BQLDA Bàu Rã kết hợp với UBND xã Thạnh Bình (huyện Tân Biên) và UBND huyện Tân Biên tiến hành thu hồi đất của 106 hộ dân nằm trong khu vực dự án với giá đền bù công khai phá từ 400.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/ha. Chuyện đáng nói là 2 năm sau, người dân phát hiện tất cả đất của họ bị thu hồi đã được BQLDA giao cho các cá nhân sử dụng, trong đó phần lớn lại là cán bộ nhà nước. Khiếu kiện nổ ra. Người dân cho biết nếu thu hồi đất phục vụ lợi ích công cộng thì họ đồng tình, nhưng đằng này lại là giao cho cá nhân sở hữu riêng. Do đó, người dân yêu cầu trả lại đất hoặc đền bù công khai phá thỏa đáng theo giá hiện hành tại địa phương. Thế nhưng, trong khi mọi việc chưa được giải quyết rốt ráo thì tháng 3/1996, UBND tỉnh đã ra quyết định sát nhập BQLDA Bàu Rã với dự án Chàng Riệc thành BQL rừng phòng hộ Chàng Riệc. Người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện nên tháng 8/1996, UBND tỉnh buộc phải ra quyết định thành lập đoàn thanh tra. Kết luận của đoàn thanh tra cho thấy: đất đai sau khi thu hồi thay vì giao cho các hộ dân để cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế lại bị BQLDA Bàu Rã giao cho các cán bộ và tư nhân. Cụ thể BQLDA Bàu Rã đã giao 430,1 ha đất cho 51 tổ chức và cá nhân, trong đó có 24 cán bộ cấp tỉnh. Riêng việc đưa ra mức giá bồi hoàn công khai phá cho dân, BQLDA Bàu Rã cũng không tham khảo và không được sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Hùng Sơn

Bài 2: Những cán bộ cấp tỉnh được giao đất là ai ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.