Tây Ninh: Sao không xử lý tận gốc nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả?

Giang Phương
Giang Phương
20/07/2022 16:43 GMT+7

Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cả giống cây trồng vật nuôi tại Tây Ninh bị phát hiện đang bị làm giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường, nhưng ngành chức năng vẫn không thể xử lý tận gốc.

Ngày 20.7, kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh Tây Ninh khóa 10 nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhiều đại biểu (ĐB) đã chất vấn Sở NN-PTNT Tây Ninh liên quan đến thông tin Nông dân lao đao vì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả mà Báo Thanh Niên ngày 3.7.2022 phản ánh.

Một trong những nội dung gây bức xúc là vì sao các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả không sợ cơ quan chức năng dù bị xử phạt?

Kiểm tra các sản phẩm thuốc BVTV và phân bón giả tại Tây Ninh

GIANG PHƯƠNG

Thường xuyên kiểm tra vẫn vi phạm

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 10 công ty sản xuất và 479 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV với 2.824 sản phẩm lưu thông trên địa bàn (chủ yếu sản phẩm của các doanh nghiệp ngoài tỉnh). Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV và giống cây trồng kém chất lượng trên địa bàn diễn ra tương đối phức tạp.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh trả lời chất vấn

GIANG PHƯƠNG

Sáu tháng đầu năm 2022, qua kiểm tra, ngành nông nghiệp phát hiện 9/40 cơ sở vi phạm điều kiện sản xuất, kinh doanh và nhãn hàng hóa; 24/99 mẫu vi phạm về chất lượng. Xử phạt hành chính 22 trường hợp với số tiền 419 triệu đồng.

“Mặc dù, ngành nông nghiệp thường xuyên thanh kiểm tra, xử lý nhưng vẫn còn các trường hợp vi phạm”, ông Xuân cho biết.

Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Tây Ninh khóa 10 nhiệm kỳ 2021 - 2026

GIANG PHƯƠNG

Về nguyên nhân, ông Xuân cho rằng các công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh sản phẩm giả, kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi (số lượng bày bán ít nhằm né tránh thanh tra, xử phạt và truy xuất nguồn gốc). Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, mức xử phạt vẫn thấp hơn so với lợi nhuận thu được.

Ngoài ra, các công ty sản xuất không đóng trên địa bàn tỉnh mà thông qua đại lý để bán sản phẩm. Do đó, khi phát hiện sai phạm, chỉ xử phạt đại lý kinh doanh sản phẩm đó và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định, không thể xử lý toàn bộ lô hàng và công ty sản xuất ra.

Thuốc BVTV và phân bón giả được Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh kết luận

GIANG PHƯƠNG

“Chúng tôi đã kiến nghị và được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ghi nhận, phối hợp với các bộ, ngành cố gắng thay đổi quy định pháp luật theo hướng xử lý nghiêm hơn tại gốc, tại nguồn những đơn vị có sản phẩm vi phạm. Trước mắt, khi một công ty có một nhãn hiệu vi phạm, chúng tôi sẽ kiểm tra tất cả các nhãn hàng còn lại một cách thường xuyên. Đặc biệt, cho công bố công khai thông tin nhãn hiệu vi phạm, tên công ty, đại lý vi phạm cho rộng rãi bà con được biết. Cách làm này bước đầu đã có hiệu quả”, ông Xuân nhấn mạnh.

Nông dân Tây Ninh khốn đốn vì thuốc giả, phân bón giả

GIANG PHƯƠNG

Ông Xuân cho biết thêm, Sở NN-PTNT đã chuyển một số vụ việc đến cơ quan công an để khởi tố. Tuy nhiên, có vài vụ, cơ quan điều tra đã trả lời không có dấu hiệu hình sự nên chỉ xử lý hành chính.

Vì sao không quản lý được?

ĐB Võ Văn Dũng chất vấn trách nhiệm chuyên ngành của nông nghiệp là quản lý, nhưng giống cây trồng vật nuôi kém chất lượng, vật tư giả tràn lan, vì sao sở nói không quản lý được?

Công an H.Châu Thành (Tây Ninh) bắt giữ 4.565 chai thuốc BVTV giả chờ bán cho nông dân vào ngày 29.6.2022

GIANG PHƯƠNG

Vấn đề này, ông Nguyễn Đình Xuân cho rằng, công tác quản lý đang có nhiều cái khó và cam kết ngành nông nghiệp sẽ thực hiện tất cả các giải pháp để cải thiện tình trạng này tốt hơn.

Cũng theo ông Xuân, để làm tốt vấn đề này, một mình ngành nông nghiệp là không đủ. Trong khi Chi cục BVTV chỉ có hơn 10 người nhưng phải quản lý hơn 10.000 đại lý, cơ sở và hàng chục nghìn nhãn hiệu phân bón, thuốc BVTV khác nhau… Do đó, ngành nông nghiệp là một phần, cùng với đó là quản lý thị trường, công an, chính quyền địa phương và cả người dân hỗ trợ để giải quyết những vấn đề bức xúc nêu trên…

Có thể xử lý hình sự

Ông Châu Thanh Long, Cục trưởng Cục QLTT Tây Ninh cho biết, hoàn toàn có thể xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón, thuốc BTVT giả. Theo ông Long, về quy định, nếu kinh doanh sản phẩm giả có trị giá trên 30 triệu đồng, ngành QLTT sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan công an xử lý, xem xét khởi tố hình sự. Nếu dưới 30 triệu đồng nhưng trường hợp tái phạm QLTT cũng chuyển hồ sơ đến công an để xử lý hình sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.