AFP ngày 9.7 dẫn thông báo từ nhà chức trách cho hay theo kết quả điều tra, chỉ có 1 tay súng gây ra vụ bắn tỉa và đấu súng rạng sáng 8.7, thay vì 4 người như nhận định ban đầu. Thủ phạm được xác định là Micah Johnson, 25 tuổi, sống cùng mẹ tại khu ngoại ô trung lưu Mesquite. Người này là quân nhân dự bị và từng được điều sang Afghanistan hoạt động trong 9 tháng hồi năm 2014. Johnson xuất ngũ từ tháng 4.2015.
Cảnh sát trưởng David Brown của Dallas xác nhận Johnson hành động một mình trong vụ tấn công vào lực lượng cảnh sát tham gia giữ trật tự cho cuộc biểu tình ở trung tâm thành phố. Sau khi bắn tỉa hạ gục nhiều nhân viên công lực từ mái nhà một bãi đỗ xe, Johnson xuống phố đấu súng dữ dội. Sau khi bắn chết 5 người và làm 7 người bị thương, Johnson cố thủ trong bãi đỗ xe của Đại học El Centro cho đến khi bị tiêu diệt bằng robot mang bom.
BBC dẫn lời Thị trưởng Dallas Mike Rawlings nói lực lượng an ninh không còn lựa chọn nào khác vì Johnson quyết không đầu hàng và rất manh động. Trong lúc thương thuyết, tay súng khẳng định hành động một mình và không thuộc tổ chức nào. Cảnh sát trưởng Brown cho biết thêm tay súng tuyên bố “phẫn nộ vì các vụ cảnh sát bắn chết người da đen gần đây và muốn giết người da trắng, nhất là cảnh sát da trắng”.
Khám xét nhà riêng của Johnson, cảnh sát phát hiện lượng lớn vũ khí và đạn dược cùng nhiều vật liệu dùng để chế tạo bom. Tay súng này chưa có tiền án tiền sự, nhưng thông tin từ trang Facebook của nghi phạm cho thấy người này ủng hộ một số phong trào của người da đen có tư tưởng cực đoan như New Black Panther Party (NBPP), theo AFP. Hôm qua 9.7, giới hữu trách loại trừ mối liên hệ giữa Johnson với các tổ chức khủng bố nhưng Thống đốc Texas Greg Abbott nhấn mạnh sẽ tiếp tục mở rộng cuộc điều tra.
|
Biểu tình lan rộng khắp nước Mỹ
Vụ tấn công ở Dallas xảy ra giữa lúc dư luận Mỹ đang rất phẫn nộ sau vụ cảnh sát bị cáo buộc bắn chết 2 người da đen là Alton Sterling, 37 tuổi, ở bang Louisiana và Philando Castile, 32 tuổi, ở Minnesota. Theo Reuters, hàng ngàn người ở các thành phố lớn đã giận dữ xuống đường biểu tình, phong tỏa hầu hết các con đường lớn ở New York, Atlanta, Philadelphia, San Francisco... Tại TP. Phoenix ở bang Arizona, cảnh sát chống bạo động dùng hơi cay trấn áp sau khi nhiều người ném đá nhân viên công lực. Hậu quả là ít nhất 6 người bị thương và 3 người bị bắt. Tại Atlanta, Thị trưởng Kasim Reed cho hay có 10 người bị bắt song cuộc biểu tình diễn ra tương đối ôn hòa.
Sau những đợt bạo động dữ dội hồi các năm 2014, 2015 liên quan đến các vụ cảnh sát da trắng bị cáo buộc bắn chết những thanh niên da đen không mang vũ khí, chính quyền Mỹ đã siết chặt quy định về hành động của lực lượng hành pháp cũng như có nhiều động thái thúc đẩy hòa giải. Tuy nhiên, những diễn biến mới cho thấy hố sâu chia rẽ tại nước này vẫn ngày càng trầm trọng và đang có xu hướng cực đoan hóa, đe dọa an ninh.
Robot sát thương - trợ thủ mới của cảnh sát
Cuộc đối đầu căng thẳng tại Dallas chỉ kết thúc sau khi cảnh sát quyết định triển khai bom lên một robot và điều khiển đến chỗ ẩn nấp của Johnson rồi kích nổ. Đây được cho là lần đầu tiên giới công lực Mỹ sử dụng robot để trực tiếp tiêu diệt mục tiêu.
Cảnh sát Dallas hiện đang sở hữu 3 robot là sản phẩm của Hãng Remotec, chi nhánh của Tập đoàn quốc phòng Northrop Grumman. Sau vụ việc, một số nhà bình luận đã nêu lo ngại về xu hướng sử dụng robot trong lực lượng an ninh vì cho rằng điều này có thể dẫn tới quân sự hóa cảnh sát cũng như nguy cơ lạm quyền hoặc gây thương vong cho dân thường.
|
Bình luận (0)