“Dài cổ” chờ đợi
Đến Trung tâm sát hạch bằng lái xe Tân Phú (TP.HCM) lúc 12 giờ trưa chủ nhật, tưởng rằng còn sớm nhưng chúng tôi đã thấy nhiều khách Tây có mặt trước rồi. Trời trưa đứng bóng. Nắng như đổ lửa xuống nền bê-tông hừng hực rồi phả lên mặt thật khó chịu. Vậy mà nép trong mái hiên của trung tâm, có đến hàng chục người nước ngoài với nhiều quốc tịch: Mỹ, Anh, Pháp, Đan Mạch… nhễ nhại mồ hôi ngồi chờ. Đến hơn 1 giờ 30 vẫn chưa thấy sát hạch viên của trung tâm đến, nhiều khách Tây nháo nhác, tỏ vẻ khó hiểu và quay sang thắc mắc không biết có chuyện gì không. Ngoài trời, nắng càng gay gắt như thử thách sự chịu đựng của những người nước ngoài...
|
Chúng tôi bắt chuyện một anh bạn người Mỹ tên Tom. Anh cho hay hiện đang làm giáo viên ngoại ngữ ban đêm cho một trung tâm. Tom cho biết giấy hẹn ghi 13 giờ 30 nhưng anh đi sớm để không bị... kẹt xe. Tom nói rằng anh mong có bằng lái xe để chở bạn gái đi chơi... Lái Thiêu. “Đi taxi hoài vừa tốt kém mà “em iu” thì không thích máy lạnh ô tô cho lắm”, Tom cười tươi giải thích lý do đi thi lấy bằng lái của mình.
Trong số người nước ngoài đến thi bằng lái, gây chú ý nhất là một ông người Đức đã ngoài 70. Ông nói tiếng Việt khá rành rọt. Bằng giọng lơ lớ, ông vui vẻ tiết lộ vì muốn chạy xe máy để chiều chiều dạo phố quanh khu Thảo Điền (Q.2) và đi Bình Quới (Thanh Đa, Q.Bình Thạnh) để câu cá thư giãn nên mới đi thi lấy bằng lái. Cũng như Tom, ông đến đúng giờ và phải ngồi chờ đợi dưới cái nóng gay gắt khiến ông khá bức xúc.
Vui nhất là có người còn bế bồng cả con cái đi cùng. Đó là một thí sinh người Úc, mới định cư ở Việt Nam. Ông than thở cứ nghĩ thủ tục nhanh chóng nên tranh thủ dắt vợ con theo kết hợp công việc. Không ngờ, giờ giấc “dây thun” quá khiến những tính toán của họ bị dở dang. Hai đứa nhỏ chưa ăn mệt mỏi phải ngủ tạm giấc trưa trên tay bố mẹ trông thật tội nghiệp…
Bắt đầu thi
Dạy người Tây, giáo viên phải vất vả hướng dẫn và tốn thời gian hơn người Việt nhiều. Thấy người nước ngoài ham học và chịu khó thì mình cũng cố gắng giúp nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên họ rất khổ sở. Có khi cả thầy và trò cùng toát mồ hôi rồi nhìn nhau... cười trừ |
||
Giảng viên Nguyễn Đức Tiến |
||
Vị khách người Đức lượn vòng số 8 rất “ngọt” trước sự thán phục của người xem. Thế nhưng đang chạy ngon trớn, bỗng ông dừng lại, xuống xe dắt một mạch tới cuối đường rồi mới leo lên chạy tiếp. Sát hạch viên thông báo qua micro, yêu cầu lên xe nhưng ông vẫn thản nhiên dắt xe đi bộ! Cuối cùng ông nhận kết quả: Trượt. Thế là, ông liền... bắt đền ban giám khảo. Rồi ông thanh minh do cao tuổi, đi đường mà gặp nhiều đoạn vòng vèo như vậy nên xuống dắt xe cho... an toàn. Ông thắc mắc luật không tôn trọng sự cẩn thận của công dân. Tại sao không vẽ một đường lớn, một đường nhỏ để tự giác dừng lại vài giây nhường nhau mà lại vẽ đường gấp khúc giống như để tập lạng lách vậy. Cho đến khi sát hạch viên giảng giải với mật độ xe lưu thông nhiều như ở Việt Nam, nếu không chắc tay lái, loạng choạng thì khả năng gây tai nạn sẽ rất cao. Xuôi tai, ông mới thôi, chấp nhận về nhà luyện thi lại. Thế mới biết, để chiều chiều “vi vu” tìm chỗ câu cá cũng không đơn giản!
Raiban - một phụ nữ trung niên người Đan Mạch, đã quen chạy xe tay ga, lúc thi phải chạy xe số của trung tâm nên với chị chẳng khác nào “điệp vụ bất khả thi”. Mặc dù đã được sát hạch viên gài sẵn số 3 để dễ chạy nhưng đến khi thi, cả hai bên chân số chân ga chị cứ đạp loạn cả lên. Thế là về mo, xe rú ga inh ỏi nhưng vẫn đứng im như “con ngựa bất kham”. Còn một anh người Pháp, do chưa quen xe số nên tăng ga liên tục, thế là xe nhảy chồm lên như đang phi ngựa. May mà tay lái anh khá chắc chắn nên không té ngã. Xong phần thử thách “toát mồ hôi hột” này, anh trở về chỗ mà mặt mày căng thẳng...
Gian nan… thi lý thuyết
Gắn bó với Trung tâm sát hạch bằng lái xe Tân Phú đã nhiều năm, sát hạch viên Lâm Đức Phương góp nhặt không ít những câu chuyện thú vị. Anh kể: “Cách đây không lâu tôi quen một anh bạn trẻ người Canada, lúc đi thi ở đây chưa có bằng lái xe tại nước sở tại nên phải “ôm” luôn cả phần lý thuyết. Thế là anh bạn này thuê nhà ở trọ cùng với sinh viên người Việt Nam để kèm học, quyết chí thi cho đậu”. Anh Phương cho biết thêm, đôi lúc một số người nước ngoài tới đây thi bằng lái để có thêm giấy tờ tùy thân. Nếu nghỉ ở khách sạn, họ thường bị giữ hộ chiếu. Thế nên, muốn đi đâu nếu không có giấy tờ thì sẽ rất phiền toái nên họ chịu khổ thi bằng lái để... cắm. Nhưng, để có được tấm bằng lái xe là cả một quá trình gian nan.
Mặc dù “đá sân khách” nhưng họ rất quyết tâm. Anh Phương chia sẻ: “Người nước ngoài qua Việt Nam đi thi lấy bằng đa số là trí thức nên có tư duy khá tốt. Họ chỉ cần nhìn thao tác một vài lần là có thể làm được. Nhất là vòng số 8, hầu như ít thí sinh Tây nào đi loạng choạng”. Mặc dù các sát hạch viên thường thương tình “nới tay” cho người nước ngoài, bởi họ tôn trọng luật pháp nước ta nên mới vất vả đi thi nhưng hầu như ít ai cần “quyền trợ giúp” này, nhiều khi họ còn tranh luận dữ dội.
Anh Nguyễn Đức Tiến, giảng viên hướng dẫn luật môtô A1, tâm sự: “Có khi chúng tôi cũng bí trước những câu hỏi của họ. Họ cho rằng phần nội dung thi lý thuyết của ta quá nặng nề và mập mờ vì không hiểu đây là luật hay kỹ thuật lái xe. Một số câu hỏi về đường bộ, bến phà, dải phân cách (di động hay cố định) khiến thí sinh Tây chỉ biết ngồi... cắn tay”. “Dạy người Tây, giáo viên phải vất vả hướng dẫn và tốn thời gian hơn người Việt nhiều. Thấy người nước ngoài ham học và chịu khó thì mình cũng cố gắng giúp nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên họ rất khổ sở. Có khi cả thầy và trò cùng toát mồ hôi rồi nhìn nhau... cười trừ”, giảng viên Nguyễn Đức Tiến nói. Theo chị Mã Thị Sen (trường dạy lái xe Tiến Bộ) thì thủ tục thi lái xe mô tô hiện nay cho người nước ngoài khá đơn giản: Chỉ cần có hộ chiếu và bằng lái xe nước sở tại là họ được miễn thi lý thuyết, chỉ thi phần thực hành. Riêng người nào chưa có bằng lái ở nước sở tại thì họ phải thi cả 2 phần.
Tuy nhiên việc thi lý thuyết là cực hình đối với họ vì nước ta chỉ có tài liệu giảng dạy bằng tiếng Việt với 120 câu rất khó nuốt. Nếu không có phiên dịch viên ngồi bên cạnh thì tỷ lệ rớt khoảng 90%. Thấy một người Anh xem chừng rất chăm chỉ, cắm cúi tập trung “gạo bài” trong phòng chờ, chúng tôi lân la hỏi chuyện. Thì ra anh này không biết tiếng Việt, phải học thuộc lòng hệ thống các câu hỏi theo ký hiệu trên hình vẽ. Anh nói rằng cách này tuy khó khăn nhưng là phương pháp “học vẹt” nhanh nhất…
Nhiều lần chứng kiến những tình huống “dở khó dở cười” của thí sinh Tây, anh Lâm Đức Phương luôn trăn trở về việc thực hiện một chuyên đề ôn luyện thi bằng lái bằng tiếng Anh và mong trung tâm sớm có trang bị xe tay ga để dễ dàng hơn cho các thí sinh, thay vì xe số như hiện nay.
Mục sở thị nhiều buổi thi bằng lái của Tây mới thấy hết sự quyết tâm và vất vả do ngôn ngữ bất đồng và phương pháp thi còn khó hiểu. Thế nhưng, khi ra về với kết quả đậu thì Tây cũng như ta đều cười tươi hớn hở vì sắp tới đây họ sẽ thoải mái “vi vu” chạy xe máy mà không sợ bị phạt…
Lê Công Sơn - Cao Hồng Sĩ
Bình luận (0)