TDDC Philippines lại thống trị SEA Games, Việt Nam bao giờ cho đến ngày xưa?

17/05/2022 12:19 GMT+7

Ở nhiều kỳ SEA Games trước, thể dục dụng cụ (TDDC) luôn là mỏ vàng của thể thao Việt Nam . Nhưng kể từ đại hội khu vực năm 2019 và hiện tại là SEA Games 31 , chúng ta không còn ưu thế dẫn đầu Đông Nam Á.

Tại SEA Games 29 năm 2017, đội tuyển TDDC Việt Nam giành 5 HCV và 4 HCB. Còn tại SEA Games 28 năm 2015, TDDC Việt Nam giành vị trí nhất khu vực với số lượng huy chương áp đảo: 9 HCV, 4 HCB và 4 HCĐ.

Ba năm trước tại SEA Games 30, TDDC Việt Nam giành 3 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ và những tấm HCV đều do công của các VĐV nam. Trong đó Đinh Phương Thành giành cú đúp vàng ở nội dung xà đơn và xà kép. HCV còn lại thuộc về Đặng Nam ở nội dung vòng treo.

Môn TDDC tại SEA Games 31 vừa khép lại vào tối 16.5, sau 3 ngày tranh tài và Việt Nam vượt chỉ tiêu đề ra với 4 HCV. Tuy nhiên, thành tích này khá khiêm tốn với 7 HCV của Philippines. Hai vị trí nhất nhì khu vực thuộc về Philippines, Việt Nam. Các nước Thái Lan, Malaysia đứng sau.

Đinh Phương Thành

VƯƠNG ANH

VĐV Carlos Yulo thua Phương Thành ở nội dung xà kép

VƯƠNG ANH

Điều đáng nói, một lần nữa, các tấm HCV của TDDC Việt Nam tại SEA Games lần này đều thuộc về các VĐV nam. Các cô gái của chúng ta mới chỉ khiêm tốn giành HCB, HCĐ (Phạm Như Phương, Nguyễn Thị Quỳnh Như).

Một thực tế không thể phủ nhận, kể từ sau khi tượng đài của TDDC nữ Việt Nam Phan Thị Hà Thanh từ giã đội tuyển sau SEA Games năm 2017, TDDC nữ Việt Nam đã có một khoảng trống cực lớn mà đến tận SEA Games lần này, vẫn chưa tìm được thế hệ kế cận xứng đáng. Hầu hết các tấm HCV nội dung đồng đội nữ, cá nhân nữ đều thuộc về Philippines.

Đồng đội nam Việt Nam giành HCV SEA Games 31

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Trước đây, TDDC nữ Việt Nam sở hữu một tài năng đặc biệt là “búp bê” Đỗ Thị Ngân Thương. Phan Thị Hà Thanh là bước tiếp nối hoàn hảo của Ngân Thương. Nhưng ai là bước tiếp nối hoàn hảo của Hà Thanh, là câu hỏi thật khó.

Đó là nội dung về nữ còn đội nam TDDC Việt Nam, chúng ta không quá đáng lo khi cùng với thế hệ Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng, Việt Nam đã có lớp kế cận xứng đáng gồm Nguyễn Văn Khánh Phong, Đặng Ngọc Xuân Thiện (đều sinh năm 2002), Trịnh Hải Khang, Văn Vỹ Lương (sinh năm 2000). Xuân Thiện đã xuất sắc giành tấm HCV SEA Games 31 nội dung ngựa vòng mà theo nhận định của HLV Trương Minh Sang: “Thiện có trình độ cao ở Đông Nam Á, tiệm cận trình độ châu Á”.

Việt Nam đã giành HCV nội dung đồng đội nam tại SEA Games 31 với sự cống hiến của bộ 6 VĐV Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Văn Khánh Phong, Đặng Ngọc Xuân Thiện, Trịnh Hải Khang, Văn Vỹ Lương.

Đội tuyển Philippines có trong tay một báu vật là thần đồng Carlos Yulo - người đã trở thành hiện tượng tại SEA Games 30 năm 2019, đẩy TDDC Việt Nam xuống vị trí thứ 2 khu vực. Tại SEA Games 31, Carlos Yulo thua Đinh Phương Thành ở nội dung xà kép và bất phân thắng bại ở nội dung xà đơn (Thành và Yulo được trao đồng HCV nội dung này).

Bài toán đặt ra cho ngành thể thao Việt Nam và bộ môn thể dục là làm thế nào để nội dung nữ không còn rơi vào tình trạng bị hụt hẫng và đội nam tiếp tục đạt được phong độ tốt. Có thể Phương Thành và Thanh Tùng (đều sinh năm 1995) vẫn sẽ nỗ lực ở lại đội tuyển để thi đấu tại SEA Games 32 năm 2023 nên họ và các đồng đội trẻ cần phải được đầu tư xứng đáng. Tương tự, cũng cần có kế hoạch đầu tư sâu hơn cho các VĐV TDDC nữ Việt Nam. Với hy vọng, SEA Games 32, TDDC Việt Nam có thể tìm lại vị thế số 1 Đông Nam Á của mình, vị thế đang rơi vào tay người Phillipines hai kỳ SEA Games liên tiếp từ năm 2019 đến nay.

Bảng thành tích huy chương môn TDDC của các nước tại SEA Games 31

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.