Tệ hại hơn cả trộm cắp

20/01/2022 04:20 GMT+7

Ngay trên con đường ở TP.HCM mới đây xảy ra một chuyện không thể thiếu tự trọng hơn: Một người thản nhiên lấy một chiếc xe đạp công cộng bỏ lên xe máy rồi chở đi.

Dịch vụ xe đạp công cộng ở TP.HCM chính thức khai trương từ ngày 16.12.2021, sau hơn 1 tháng thử nghiệm thì phải đối mặt với một số rắc rối liên quan việc quản lý tài sản. Trước vụ bỏ xe đạp lên xe máy chở đi vừa nêu, đã có một số trường hợp tìm cách phá khóa để lấy xe nhưng bất thành.

Có điều đáng phải bận tâm hơn cả chuyện trộm cắp tài sản. Với kiểu nhận thức và hành vi như vừa nêu thì các ý tưởng hay ho, tốt đẹp về dịch vụ công cộng và những nỗ lực nâng cấp chất lượng dịch vụ đô thị phải đối mặt với nhiều rủi ro. Ở giai đoạn này, xã hội VN, chúng ta có thể có nhiều điều kiện hơn về nguồn lực để thực hiện các dự án nâng cấp diện mạo đô thị và nâng cao chất lượng dịch vụ công cộng cho người dân, nhưng câu hỏi đau đáu về sự ứng xử văn minh của nhiều người vẫn là một “dự án treo”.

Chúng ta không khó để giải thích chuyện một người nào đó vì quá túng thiếu, vì quá đói khổ mà tìm cách lấy trộm chiếc xe đạp công cộng, nhưng nếu một người chạy xe máy đến thản nhiên lấy một chiếc xe đạp công cộng chở đi thì đúng là không thể hiểu nổi. Chúng ta vẫn luôn có thừa niềm tin và ví dụ cụ thể để khẳng định rằng nhiều người dù có rơi vào hoàn cảnh khốn khó đến mấy cũng không bao giờ cho phép mình làm điều tồi tệ. Nên hành vi chạy xe máy đến chở trộm đi một chiếc xe đạp công cộng như thể trêu ngươi lòng tin vào ý thức hành xử của công dân. Những chuyện như thế tệ hại hơn chuyện trộm cắp gấp cả trăm ngàn lần.

Thử nhìn thêm những chuyện khác tương tự. Như chuyện người gọi là “yêu hoa” chở đi chậu hoa công cộng. Hay như chuyện mới đây nhất, tủ đồ của sinh viên trong các khu ký túc xá trưng dụng làm khu cách ly, điều trị Covid-19 bị cạy phá, phòng ốc hư hỏng khiến các trường rơi vào thế lúng túng khi chuẩn bị cho việc đón sinh viên quay trở lại trường sau tết. Còn nhớ, ở thời điểm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, nhiều sinh viên đang ở ký túc xá đã chấp nhận rời khỏi ký túc xá, ra thuê trọ tốn kém hơn để nhường chỗ ký túc xá cho chương trình chống dịch của chính quyền.

Những chuyện kiểu như vậy có sức “tàn phá” không chỉ là vài chiếc xe đạp công cộng, vài chậu hoa, vài chục chiếc tủ, vài chục món đồ đạc của sinh viên ký túc xá. Những chuyện như thế khiến hành trình để chúng ta hướng đến đời sống văn minh, hiện đại trở nên gập ghềnh và trắc trở hơn rất nhiều, “tàn phá” những nỗ lực gầy dựng điều tốt đẹp cho cộng đồng.

Và nếu cứ như thế, cứ dễ dàng bỏ qua cho những hành vi như thế, thì thay vì mất năm bảy sức, thay vì bỏ vài ba năm để đạt được một tiến bộ nào đó, chúng ta có thể phải mất hàng trăm sức, phải chờ hàng chục, hàng vài chục năm trời cho một tiến bộ xã hội nho nhỏ nào đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.