Xe đạp công cộng chính thức lăn bánh

17/12/2021 05:47 GMT+7

Sau hơn 3 năm lên ý tưởng, chỉnh sửa đề án và chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xe đạp công cộng đã chính thức được nhà đầu tư thí điểm tại trung tâm TP.HCM.

Buổi lễ khai trương được tổ chức sáng qua (16.12) tại trạm trên vỉa hè đường Lê Lợi (Q.1) - 1 trong 43 vị trí đã được TP bàn giao cho nhà đầu tư lập trạm đậu phục vụ thí điểm mô hình xe đạp công cộng tại khu trung tâm.

Đón đầu du lịch, hút khách cho xe buýt

Theo chương trình dự kiến, 8 giờ 30 phút buổi lễ sẽ bắt đầu. Thế nhưng, chưa tới 8 giờ, lãnh đạo và nhiều cán bộ các phòng, ban của Sở GTVT đã có mặt tại trạm đậu để tham gia chạy thử xe đạp trước buổi lễ khai trương.

Hệ thống xe đạp công cộng chính thức thí điểm tại khu vực trung tâm TP.HCM

H.Mai

Tải ứng dụng TNGO, kích hoạt tài khoản, đội mũ bảo hiểm rồi mở khóa xe bằng cách quét mã QR sau yên xe qua ứng dụng, sau trải nghiệm, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, chia sẻ giao thông công cộng (GTCC) là 1 trong những lĩnh vực được TP đặc biệt quan tâm. Xe đạp công cộng ra đời sẽ bổ sung thêm sự lựa chọn cho người dân, góp phần tăng tỷ lệ người sử dụng GTCC, giảm xe cá nhân. Về lâu dài, loại hình này tích hợp với mạng lưới xe buýt và metro sẽ hình thành nên mạng lưới giao thông văn minh, tiện lợi với chi phí hợp lý.

“Xe đạp công cộng ra đời trong thời điểm rất thích hợp, đón đầu nhu cầu du lịch của du khách khi Chính phủ vừa chốt phương án mở lại các đường bay thương mại quốc tế, kết nối TP.HCM với 11 TP của 8 quốc gia. Đồng thời, đây là mô hình được quản lý hoàn toàn bằng công nghệ, thiết bị hiện đại. Khi tiếp cận được với các tuyến metro trong tương lai, xe buýt điện chuẩn bị khai trương trước Tết Nguyên đán, buýt đường sông... sẽ phát huy rất tốt vai trò kết nối, hình thành mạng lưới giao thông thông minh đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân một cách an toàn nhất, với chi phí rẻ nhất”, ông Lâm kỳ vọng.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đạp xe, TP.HCM chính thức có xe đạp công cộng

Trả lời Thanh Niên, một cán bộ thuộc Trung tâm quản lý GTCC TP đánh giá hiện nay, ngoài nguyên nhân lớn nhất là không đảm bảo đúng giờ, người dân chưa mặn mà với xe buýt là do tính kết nối. Với đặc thù đô thị nhiều ngõ, hẻm, muốn đi tới bến xe buýt thường phải đi bộ. Tuy nhiên, hẻm thì đôi khi không có vỉa hè, đường có vỉa hè thì bị lấn chiếm, thời tiết thì nắng mưa thất thường... khiến người dân ngày càng “lười” đi bộ. Mạng lưới xe đạp sẽ phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện hơn, thay vì hình thức đi bộ truyền thống hiện tại. Đặc biệt, TP đang nghiên cứu thí điểm 2 tuyến đường ưu tiên cho xe buýt, xe đạp công cộng sẽ là phương án hiệu quả gom khách, hút khách cho xe buýt, thúc đẩy GTCC.

Phải hình thành mạng lưới

“Xe nhẹ, dễ chạy, rất thú vị. Tuy nhiên, đúng là doanh nghiệp phải rất tâm huyết mới quyết theo đề án đến tận bây giờ vì loại hình này còn rất nhiều rủi ro”, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, chạy thử xe đạp nhận xét.

Theo ông Tuấn, xe đạp muốn trở thành phương tiện di chuyển hằng ngày thì phải được đảm bảo đầy đủ hạ tầng, trong đó quan trọng nhất là có làn đường riêng. Ở nước ngoài, người dân sử dụng xe đạp công cộng rất nhiều, dù có làn riêng họ cũng vẫn sẽ mặc đồ có phản quang, bởi đây là đối tượng rất dễ tổn thương khi gặp tai nạn. Với hiện trạng các phương tiện đang lưu thông như ở TP.HCM hiện nay, nếu thêm xe đạp hòa vào sẽ rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, mối quan tâm lớn nhất của người dân khi tham gia di chuyển là tính tiện lợi. Nếu xe đạp công cộng chỉ triển khai cục bộ trong một phạm vi, không phục vụ được nhu cầu đa dạng của người dân thì họ sẽ không chọn; Có xe đạp công cộng, nhưng khi kết nối để chuyển sang phương tiện xe buýt mà xe buýt vẫn chạy chậm, bất tiện, người dân cũng không đi; Hoặc nếu Sở GTVT tổ chức làn đường riêng cho xe đạp nhưng chỉ rải rác ở một vài tuyến đường đủ điều kiện thì cũng không khả thi.

“Tóm lại, xe đạp công cộng muốn phát triển trở thành một loại hình GTCC đúng nghĩa thì phải đảm bảo được tính thuận tiện khi được kết nối thật tốt với mạng lưới các loại hình phương tiện công cộng khác”, TS Vũ Anh Tuấn lưu ý. Liên quan vấn đề này, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thông tin Sở đang nghiên cứu tổ chức các làn đường ưu tiên, làn đường dành riêng cho xe đạp.

Trong khi đó, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (chủ đầu tư dự án), nhấn mạnh đây là đề án xã hội mà doanh nghiệp dành rất nhiều tâm huyết với mục tiêu lớn nhất là đưa đến dịch vụ mới, góp phần hình thành thói quen sử dụng phương tiện GTCC văn minh cho người dân. Ông Dân kỳ vọng sau 1 năm thí điểm, Trí Nam sẽ tiếp tục được triển khai loại hình này tới tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP.

Để sử dụng dịch vụ này, người dân cài đặt (miễn phí) ứng dụng TNGO trên điện thoại thông minh. Sau đó, dùng chính ứng dụng này để quét mã code mở khóa xe sử dụng. Ứng dụng có bản đồ để người dân tìm kiếm trạm xe phù hợp với lộ trình. Sau khi hoàn tất chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng nơi quy định để khóa xe. Nếu người thuê xe không trả phương tiện về đúng trạm bất kỳ thì hệ thống vẫn tiếp tục tính tiền. Mỗi xe đạp đều gắn GPS, giúp kiểm soát vị trí xe và sẽ có những cảnh báo gửi lên ứng dụng. Giá vé giai đoạn thí điểm được tính theo thời gian: 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút... Thanh toán thông qua một số loại ví điện tử, tài khoản ngân hàng. Dịp khai trương, Công ty Trí Nam ưu đãi nhân đôi số tiền trong lần nạp thẻ đầu tiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.