Có người sáng sớm thức dậy cầm nắm cái gì cũng khó khăn vì bàn tay cứ tê rần. Nhưng dù tê kiểu gì thì hầu hết mọi người vẫn chủ quan, không xem đấy là điều quá hệ trọng để phải đi gặp thầy thuốc.
Thực ra, nếu chứng tê bàn tay xuất phát từ việc cầm chặt vật gì quá lâu, do từ những thói quen trong sinh hoạt (chẳng hạn như quen gối đầu lên tay trong khi ngủ) hoặc xảy ra khi dùng máy đo huyết áp… thì không phải lo ngại lắm vì đấy là do thiếu máu đến cánh tay.
Nhưng chứng tê bàn tay còn có thể do nguyên nhân cơ học và nguyên nhân khác thường gặp mà ít ai ngờ, chẳng hạn như bệnh lý đái tháo đường dẫn đến tổn thương ở những mạch máu nhỏ khiến tê ở tay hay những vị trí khác. Người mắc bệnh lý về khớp tiến triển dẫn đến tổn thương mạch máu cũng là nguyên nhân dẫn đến tê bàn tay.
Đấy là chưa kể nếu chúng ta mắc phải bệnh lý rối loạn mỡ trong máu hay tăng cholesterol thì khi lượng mỡ trong máu cao sẽ làm giảm lượng máu đến nuôi cơ thể, đặc biệt là vùng ngoại biên, dẫn đến tê ở bàn tay.
Thậm chí tê bàn tay còn có thể xuất phát từ những nguyên nhân nghiêm trọng hơn như chấn thương cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ; nghiêm trọng hơn nữa là xuất phát từ những bệnh lý trên não bộ (như u não, tai biến mạch máu não, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua); đặc biệt là ở những người hút thuốc lá, uống rượu, béo phì, mỡ trong máu cao, huyết áp cao...
Gần đây, các nhà khoa học phát hiện chứng bàn tay tê còn có thể là dấu hiệu của một bệnh miễn dịch, chứng thiếu vitamin nhóm B, do thuốc điều trị cao huyết áp, kháng sinh... Nói như vậy để thấy tê bàn tay không thể là chuyện nhỏ, bởi rất có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Vì vậy, phải chẩn đoán chính xác để tìm cách chữa trị thích hợp.
Đối với nguyên nhân là thói quen trong sinh hoạt hoặc những tổn thương tại chỗ (như trong trường hợp do tư thế làm việc không đúng)… thì giải pháp đơn giản là phải lưu ý đến việc thay đổi tư thế cho hợp lý. Chẳng hạn như chỉ gối đầu trên gối thấp khi ngủ, không tự gối đầu lên tay hay để người khác gối lên tay.
Đối với nguyên nhân do bệnh lý thì tùy thuộc vào từng trường hợp mà bác sĩ có hướng xử lý bằng hình thức điều trị nội khoa hay ngoại khoa. Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, cần kết hợp thêm vận động trị liệu, vật lý trị liệu.
Một số biện pháp đơn giản mà chúng ta có thể áp dụng khi có triệu chứng tê bàn tay, như: hạn chế tiếp xúc với nước lạnh; luôn giữ đôi tay ấm áp, khô ráo; ngừng hút thuốc lá, ngừng uống rượu; tập thể dục thường xuyên; xoa lòng bàn tay, ngón tay khi khởi động khớp.
ThS-BS Phan Hữu Phước /Người Lao Động
(Phòng khám Lão khoa Med-Vie-TPHCM)
>> 3 nguyên nhân gây tê tay
>> Tê tay và đau bắp chân
Bình luận (0)