Teen hay gây sốc, vì sao?

23/11/2010 14:14 GMT+7

Từ làm những chuyện vô bổ như lạy gấu bông hay bỗng dưng ngã lăn ra đất cho đến tình trạng đua xe, đánh nhau, ăn mặc quái dị..., nhiều người lớn không hiểu tại sao, điều gì đang diễn ra và khiến một bộ phận giới trẻ tuổi teen “phát rồ”.

Chẳng hạn việc lạy gấu bông: mấy tháng trước, tại bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) người đi đường sững sờ chứng kiến một cảnh tượng không hiểu vì sao: một chàng trai đội một con gấu bông và ngay dưới chân là một nhóm trai gái cùng trang lứa sì sụp lạy! Trước đó, cũng tại Hà Nội nhóm này tập hợp 16 bạn trẻ đến tượng đài Lý Thái Tổ, dàn dựng cảnh một số bạn trẻ đang đi xảy ra va chạm, sau đó làm động tác bắn nhau rồi... lăn ra đất. Rồi hàng loạt đoạn phim xấu xí như tắm tiên, cảnh âu yếm nhau được quăng lên mạng mà kỳ lạ là có khi những nhân vật chính cũng đồng tình...

“Vì sao teen “phát rồ”, gây sốc?” là chủ đề được Nhịp sống trẻ đưa lên diễn đàn mạng nhằm để các bạn trẻ lý giải, tìm câu trả lời. Câu chuyện đã nhận được nhiều ý kiến của bạn trẻ. Đa số ý kiến đều cho rằng các bạn trẻ nhận thức được việc mình làm là không hay, nhưng vì muốn gây sự chú ý, muốn được nổi tiếng, thậm chí chỉ đơn giản là muốn đánh dấu sự tồn tại của mình trong thế giới đông đúc này nên bất chấp mọi chuyện.

Theo dõi câu chuyện tại đây.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM, phân tích: tuổi teen là lúc mà cái tôi trong mỗi người bắt đầu “ly khai” khỏi gia đình để chuẩn bị vào đời như một con người độc lập. Đứng trước biển người mênh mông, bạn trẻ nảy sinh nhu cầu gây chú ý để “tạo nét” cho cái tôi của mình. Từ đó bắt đầu có những chiến thuật “thu hút sự dòm ngó” để tạo cá tính, nhưng một số cách gây ấn tượng không phù hợp chuẩn mực xã hội thì thành ra... gây sốc!

Ngoài nguyên nhân tâm lý của lứa tuổi, ngày nay áp lực học tập quá nặng trong khi sân chơi lành mạnh ít khiến giới trẻ cảm thấy tù túng nên có hành động “nổi loạn”, làm trái các chuẩn mực. Lứa tuổi này thấy những gì mới mẻ, sốc sốc mới hay hay. Gia đình phải làm điểm tựa, nhà trường phải quan tâm và xã hội phải giám sát để uốn nắn các hành vi này.

“Chúng tôi quá cô đơn”

Về đề tài trên, Nhịp sống trẻ có cuộc trao đổi với bạn N.M.T., 18 tuổi, năm 2009-2010 là học sinh Trường THPT dân lập Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM. Hiện T. đã nghỉ học và vừa tham dự lớp cai nghiện game online do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức. Trước khi cuộc trao đổi diễn ra, T. khóc và nói: “Mình chỉ muốn bạn bè cùng lứa, gia đình, nhà trường đừng nhìn chúng mình như một lũ bỏ đi và dành cho những lời cay nghiệt. Chúng mình rất lạc lõng”.

* Bạn và các bạn của mình hay làm những trò gì gây sốc cho người xung quanh?

- Chủ yếu là “đi bão” (đua xe) hằng ngày, đánh nhau trong trường và gần trường. Sở dĩ mình và lũ bạn thích đánh nhau gần trường vì sẽ được nhiều bạn nữ chứng kiến. Nói chung, thấy trò nào có thể gây được sự chú ý và có hội thì tham gia, còn chơi một mình thì không thích.

* Sức học của bạn tại trường như thế nào?

- Yếu.

* Hay là do học không tốt nên bạn khoái mấy trò gây sốc để được chú ý?

- Một số học sinh học khá cũng chơi mà, rủ là tụi nó xông vô liền kể cả đánh nhau tập thể hay “solo”. Thật tình mà nói hiện tại cái gì xung quanh mình cũng nhàn nhạt, không có sức hấp dẫn. Chỉ có cách làm điều gì đó khác lạ để được quan tâm, được biết đến. Cảm giác khi đánh nhau được mọi người hò hét cổ vũ rần rần đã lắm, thấy mình như ngôi sao vậy. Chưa nói đua xe giỏi sẽ có nhiều bạn gái đẹp ào tới nữa. Trong lớp mình không nói chuyện với ai vì thấy ai cũng nhìn mình thiếu thiện cảm, coi mình như thằng vứt đi vậy. Thiếu bạn trong lớp nên mình tìm bạn ở ngoài và bạn bè mình quen nhiều nhất là ở chỗ độ xe máy để đua xe.

* Gia đình bạn có biết sức học, cách sống của bạn không?

- Mình sống với người quen ở TP.HCM, còn mẹ mình sống ở TP khác. Bạn bè mình cũng vậy, đa số con nhà khá giả nhưng không được gia đình gần gũi, chúng nó muốn làm gì thì làm. Phần lớn thời gian ở ngoài đường. Có đứa không thích nói bất cứ chuyện gì với gia đình.

* Đua xe, đánh nhau, quay cảnh “nóng”, bạn có nghĩ đó là những trò điên rồ?

- “Phê” một chút rồi thôi. Thấy lạc lõng lắm. Về nhà lại nhào vào máy tính chat, chơi game rồi sau khi kết thúc thấy xung quanh trống trơn, chán ngắt, nên sau đó lại tìm trò gì sốc để chơi tiếp. Nghĩ không ra thì cứ như cũ mà làm: tìm cớ đánh nhau, đua xe. Nhiều đứa bạn mình đưa bạn gái đi... “ấy” rồi về rỉ tai nhau nghe cho vui. Có thằng còn hứa “sắp tới tao chụp hình lại cho tụi bay coi lác mắt”. Cả hội xem thằng đó như thần tượng và háo hức chờ.

* Bạn có tham gia hoạt động vui chơi do trường, đoàn hội tổ chức?

- Mình thấy chán các hoạt động đó lắm. Nói chung là mình không hòa nhập vô đó được, cứ như chơi trò tập thể dục dưỡng sinh vậy.

* Bạn sẽ làm gì với những ngày tháng phía trước, khi đã nghỉ học?

- Mình chưa từng nghĩ về điều này trước đó, nhưng bây giờ - sau khóa học ở lớp cai nghiện game online - mình đã có nhiều bạn bè mới trong một môi trường mới, mình nhận thức được nhiều điều và đặt mục tiêu phấn đấu thành điều phối viên của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam. Nhìn lại những điều đã làm, đã nghĩ trước đây mình thấy nông nổi quá. Mình nhận phần sai khi đua xe, đánh nhau nhưng phải nói là bọn mình lạc lõng trong trường lớp lắm. Mình biết đua xe chết như chơi nhưng có ở trong trạng thái “phiêu” đó mình mới đánh dấu được sự tồn tại của mình và tạm quên những chuyện buồn. Sắp tới mình sẽ quyết tâm đi học lại và tuyệt đối không đua xe nữa.

* Chúc bạn đạt được điều mong muốn!

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.