Ngày 7.1, Reuters dẫn nguồn tin cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã bổ sung gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent vào danh sách cấm vận. Mỹ viện lý do công ty mẹ của Wechat đã hợp tác với quân đội Trung Quốc, có thể trở thành mối đe dọa về an ninh quốc gia.
Thông tin này lập tức khiến giá cổ phiếu của Tencent giảm 7,3%, tương đương 35,4 tỉ USD giá trị thị trường bị thổi bay. CATL, nhà sản xuất pin xe điện phục vụ 1/3 thị trường toàn cầu cũng bị đưa vào danh sách này. Cổ phiếu công ty đã giảm 2,8%, tương đương 4,4 tỉ USD.
Tencent nói tất cả chỉ là "hiểu nhầm"
Ngay khi bị Mỹ đưa vào danh sách cấm vận, Tencent đã đưa ra phản hồi: "Đây là một sai lầm. Chúng tôi không phải doanh nghiệp quân sự hay nhà cung cấp quân sự. Danh sách này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các bộ phận liên quan của Mỹ để tháo gỡ hiểu nhầm này".
Công ty cho biết họ sẵn sàng hợp tác để làm rõ "hiểu nhầm", nhưng nếu cần sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý.
Thông điệp rõ ràng của Tencent ngay lập tức nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng công nghệ Trung Quốc. Dưới thông báo, gần 40.000 bình luận của người dùng nêu quan điểm ủng hộ Tencent. Họ cho rằng công ty đứng sau siêu ứng dụng Wechat là "nạn nhân" của chiến tranh thương mại. "Tencent chẳng có tội gì. Đơn giản họ muốn cấm vận và Tencent là một lựa chọn", một người dùng Weibo viết.
CATL cũng đưa ra phản hồi tương tự, họ khẳng định "không tham gia vào bất kỳ hoạt động liên quan đến quân sự".
Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, họ kêu gọi Mỹ lập tức dỡ bỏ "các lệnh trừng phạt đơn phương, bất hợp pháp" với doanh nghiệp Trung Quốc. Đồng thời khẳng định chính quyền nước này sẽ bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty trong nước.
Theo giới phân tích, lệnh cấm này không có nghĩa các biện pháp trừng phạt được áp dụng tức thì, nhưng nó cũng có thể là đòn giáng mạnh vào danh tiếng của các công ty được xướng tên. Đây cũng là lời cảnh báo Mỹ muốn gửi đến những đối tác kinh doanh với hai công ty Trung Quốc. Mặt khác, lệnh cấm có thể gây áp lực lên Bộ Tài chính Mỹ, buộc họ phải ra lệnh trừng phạt.
Đến nay, "danh sách công ty quân sự Trung Quốc" của Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên đến 134 thực thể và các công ty con liên quan. Theo giới phân tích, danh sách này là quan điểm của Bộ Quốc phòng Mỹ nhưng có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các bộ ngành khác trong chính phủ. Hậu quả nghiêm trọng nhất là các công ty trong danh sách có thể đối mặt lệnh cấm đầu tư của Mỹ.
Bình luận (0)