Nhưng hôm nay, Tèo tuyên bố dứt khoát:
- Tớ đã quyết rồi. Tớ phải làm nghệ sĩ.
Tôi can:
- Thôi đi ông. Ông đã từng làm nghệ sĩ nhiều lần rồi đấy chứ. Nào diễn viên, nào nhà thơ, nào danh hài... có thành công đâu. Mong ông cứ yên tâm làm người thường cho tôi nhờ.
Tèo quát lên:
- Đúng. Ta đã từng làm nghệ sĩ. Nhưng sở dĩ thất bại, sở dĩ không thành công vì đó là những nghệ sĩ loại tầm thường, vớ vẩn. Bây giờ, ta sẽ làm nghệ sĩ “ạc” kia.
Tôi ngớ ra:
- “Ạc” là gì?
Tèo nghiêm giọng giải thích:
- “Ạc” là một danh từ riêng, cao quý, viết tắt từ tiếng “ạc-tích”, chỉ những người nghệ sĩ chân chính, phi thường.
Tôi hồi hộp quá:
- Xin cậu nói rõ hơn đi.
Tèo giảng giải:
- “Ạc” là một phẩm chất rất khó giải thích và nắm bắt được. Nó vừa mơ màng, vừa kinh dị, vừa gàn dở, vừa hồi hộp pha mắc cười và đau bụng. Nói cách khác, nó không dành cho bọn người trần mắt thịt. Muốn hiểu “ạc” cần “ạc” tận trong xương tủy và trong máu thịt.
Tôi nghe, vừa lo lắng, vừa run sợ, vừa thèm khát:
- Vậy làm cách nào để hiểu những nghệ sĩ “ạc”?
Tèo kiêu hãnh:
- “Ạc” không cần ai hiểu. Họ chỉ cần công chúng khiếp sợ, khuất phục và nín lặng. Cho nên tớ đã quyết rồi. Tớ phải trở thành một con người như vậy càng nhanh càng tốt.
Tôi cảm thấy lòng khâm phục Tèo trào dâng:
- Vậy bao giờ cậu biểu diễn?
Tèo đắc chí:
- Tối mai.
Tôi hấp tấp:
- Ở nhà hát nào?
Tèo bĩu môi:
- Dân “ạc” chả ai thèm nhà hát. Họ diễn ở những nơi lẩn khuất, những vị trí bất ngờ. Nếu cậu muốn chiêm ngưỡng, tối mai, đúng mười giờ, lúc cú kêu và lúc chuột chạy, hãy tới gác xép số 3, lầu 10, chung cư Ngoại Ô, tớ sẽ diễn ở đó.
Rồi Tèo vung tay ra về.
Tối hôm sau, tôi len lén ra khỏi nhà, xem biểu diễn nghệ thuật mà như xem ăn trộm.
Tôi đi xe ôm tới một tòa nhà cũ, đen xì. Vượt qua hai cầu thang ọp ẹp bằng gỗ, đi qua một đám trẻ con ngồi khóc và bà già ngồi cắt móng chân, tôi lọt vào nơi biểu diễn của “ạc” Tèo.
Đó là một gác xép rộng chừng ba chục mét vuông, có thắp nến, có mạng nhện và nhiều hình vẽ bằng than trên tường.
Khán giả ngoài tôi còn có một nhà thơ có tác phẩm tự xuất bản, hai nhà phê bình nghệ thuật, một thợ may, một đạo diễn phim, ba cô người mẫu và một bà bán keo bẫy chuột. Chả ai nói với ai câu nào, không khí nghiêm trang đến nghẹt thở.
Đúng mười giờ ba mươi phút, đèn tắt phụt.
Tèo cởi trần, rú lên một tiếng, bôi xanh trên thân, bôi đỏ trên mắt và bôi tím trên tóc, xông ra sân khấu.
Tèo lăn ba bốn vòng, vừa lăn vừa lên cơn co giật. Sau đó, Tèo dùng một miếng vải gai quấn vào mình, trồng cây chuối trên sàn nhà. Tiết mục ấy gọi là “Nỗi đau trần thế”, còn miếng vải được coi như những nỗi khổ mà con người phải trói buộc khi tồn tại trên đời.
Rồi Tèo lôi ra một thùng sơn, đổ từ đầu đến chân, sau đó vừa hát vừa trát sơn lên tường. Đấy là tiết mục có tên “Thân phận” nói về sự sáng tạo không ngừng và sự thăng hoa lên mọi vật thể.
Cuối tiết mục, Tèo bốc từng nắm sơn ném vào khán giả. Những kẻ ngồi im bị Tèo gọi là kém cảm thụ, những kẻ bỏ chạy được Tèo kêu là phá hoại nghệ thuật. Chỉ những đứa nào ngủ gật mới được coi rằng có thẩm mỹ, có am hiểu.
Khán giả trong phòng lúc ấy đã kiệt sức, nhiều người muốn ra về nhưng cửa đã bị khóa.
Và Tèo tuyên bố tiết mục thứ ba mới là “ạc” thực sự.
Tèo bôi lên thân thể một lớp hồ dán, rồi cắm vào đủ thứ lông gà, lông công và lông chim sáo sậu. Tèo vừa cục tác vừa chạy quanh phòng và gọi tiết mục đó là “Vẻ đẹp vĩnh cửu”.
Lúc này thì không khí trong khán phòng đã trở nên rối loạn, bà già, trẻ con giẫm đạp lên nhau, bỏ chạy tán loạn. Tèo tuyên bố đêm diễn thành công và những ai không hiểu chỉ còn cách tự trách mình.
Tôi ra về, ê ẩm toàn thân, nằm liệt ba ngày.
Lê Hoàng
Bình luận (0)