Khi trẻ bị mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh, đường mật ngoài gan cũng có trường hợp đường mật cả trong và ngoài gan của trẻ bị teo. Mật trong gan không thể theo đường mật tiết xuống ruột non để tiêu hóa thức ăn như bình thường. Đó cũng là lý do khiến phân của trẻ có màu khác biệt. Tùy theo mức độ teo đường mật mà phân trẻ có màu trắng như "cứt cò" còn gọi là phân sống, màu trắng xám như đất sét hay có màu vàng nhạt. Bên cạnh đó, nước tiểu của trẻ lại có màu vàng sậm, tã hay quần áo của trẻ khó có thể được giặt sạch.
Triệu chứng khác thường gặp ở trẻ mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh là trẻ bị vàng da, vàng mắt. Mức độ vàng tăng dần lên theo thời gian. "Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ hay nhân viên y tế chưa chú ý nhiều tới hiện tượng vàng da ở trẻ 3 - 4 tuần tuổi và thường cho rằng đó là vàng da sinh lý kéo dài" - bác sĩ Hồ Thị Hiền, Phó trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật, bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh. Thông thường, trẻ bị vàng da sinh lý sẽ tự khỏi sau thời gian ngắn, khoảng 2 tuần tuổi. Nhưng trong trường hợp trẻ bị vàng da do bệnh lý, hiện tượng vàng da sẽ không hết sau khoảng thời gian trên. Bác sĩ Hồ Thị Hiền cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần phải đưa trẻ đi thăm khám ngay trong trường hợp trẻ bị vàng da kéo dài hơn 14 ngày tuổi.
Để điều trị cho các bệnh nhân mắc teo đường mật bẩm sinh, hiện nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã áp dụng phương pháp mổ Kasai. Đây là phương pháp nối một đoạn ruột lên rốn gan để mật chảy trực tiếp từ gan xuống ruột. Với những bệnh nhi được phát hiện sớm, tiến hành mổ Kasai trước 8 tuần tuổi, tỷ lệ thành công cao. Cần lưu ý rằng, việc phát hiện và điều trị cho trẻ càng sớm sẽ quyết định rất lớn tới khả năng chữa khỏi bệnh cho trẻ. Bác sĩ Hồ Thị Hiền cho biết có tới 2/3 số ca trẻ mắc bệnh được phẫu thuật sớm có kết quả tốt.
Minh Ngọc
Bình luận (0)