Nước sạch - món quà tết đặc biệt
Chúng tôi đến huyện Tân Phú Đông vào những ngày giáp Tết Nguyên đán. Vượt chặng đường hơn 80km kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ từ TP.HCM, những mệt mỏi của chuyến đi dường như tan biến khi chúng tôi bắt đầu nhìn thấy những vườn dừa xanh mướt khi tới đây.
Ngay sau khi tới nơi, đoàn chúng tôi được cán bộ xã Tân Thới (huyện Tân Phú Đông) dẫn xuống các hộ dân để tiếp tục hỗ trợ lắp đường dẫn ống nước sạch - một trong những món quà do chương trình Tết An Bình 2023 gửi tới bà con.
Lối dẫn vào nhà người dân là những kênh, mương dưới tán dừa. Nhưng nước ở đây lại nhiễm mặn và cạn đáy vào mùa khô. Tôi nhớ mãi khi gặp chị Tiên - người phụ nữ có khuôn mặt hiền lành, chân chất. Trên tay chị là nắm phèn chua đang thả vào chum nước được bơm từ dưới kênh lên.
Chị Tiên nói phải dùng phèn chua để lọc cặn, sau đó dùng nước này giặt đồ, rửa chén để tiết kiệm. Còn nước sạch để ăn uống, tắm cho con chị phải bỏ tiền ra mua từng bình 25 lít về sử dụng. Nhìn cảnh chị chắt chiu từng chút nước sạch mới thấy những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây, và chính tôi cũng có những hối hận khi nhiều lần sử dụng nước sạch ở nhà rất phung phí.
Món quà Tết do tôi và các tình nguyện viên của Chương trình mang đến là 5km đường ống nước sạch (nước máy) cho các hộ dân 2 xã Phú Tân và Tân Thới - những hộ dân ở xa đường ống chính chưa tiếp cận được với nguồn nước máy như gia đình chị Tiên.
Thêm "dải đê xanh" cho bà con ven biển
Tết An Bình 2023 do ABBANK kết hợp cùng Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Cùng với 5km đường ống nước sạch, chương trình còn trao tặng 10.000 cây đước và cây phi lao tại khu rừng phòng hộ tại xã Phú Tân; và 25 suất học bổng (trị giá 2 triệu đồng/suất) cho 25 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Phú Tân và Tân Thới.
Tân Phú Đông là huyện diện tích rừng phòng hộ ven biển lớn nhất tỉnh Tiền Giang, bởi vậy nơi đây có tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Dưới tán rừng phòng hộ ven biển là kế sinh nhai của hàng nghìn hộ dân trong khu vực.
Trong buổi lễ bàn giao cây cho người dân địa phương tôi có dịp trò chuyện với bà con. Trong đó, có chị Mỹ Châu, chị kể: "Cả hai vợ chồng chị đều mưu sinh trong sương sớm và nắng gió ven biển mang lại khoản thu nhập nho nhỏ hằng ngày. Có ngày thuận buồm xuôi gió, chồng chị đi ghe đánh bắt được nhiều tôm, cá, mực, ghẹ… có thể bán được tới 2 triệu đồng/lần đi biển, nhưng cũng có ngày tiền bán thành phẩm không lại tiền dầu máy". Chị cũng nói rằng việc đánh bắt thủy hải sản những năm gần đây khó khăn hơn, thủy hải sản có dấu hiệu giảm do tình trạng sạt lở khu vực ven biển và thời tiết bất thường.
Chính vì lẽ đó, 10.000 cây đước và cây phi lao được trao tặng để địa phương trồng xuống những cánh rừng phòng hộ thật ý nghĩa biết bao. Tại buổi lễ trao tặng cây, ông Lê Thanh Đằng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông đã chia sẻ rằng khi cây được trồng xuống sẽ góp phần vào giải pháp bền vững không chỉ cho đời sống mà đặc biệt là khía cạnh kinh tế cho người dân địa phương. Đây cũng là "dải đê xanh" vững chắc, góp phần ngăn chặn rủi ro từ những cơn cuồng phong, bão tố giúp người dân yên tâm hơn mỗi khi bão đến.
Và một trong những hình ảnh tôi nhớ mãi là gương mặt vui tươi, ngây ngô của các em học sinh khi lên nhận học bổng. Mong sao, học bổng lần này sẽ góp phần giúp các em có động lực để tiến xa hơn trên con đường học tập và trở thành người có ích cho xã hội.
Tạm biệt Tân Phú Đông sau vài ngày gắn bó. Những ấn tượng về mảnh đất, con người ở đây thật khó quên trong tôi. Nụ cười của em học sinh khi nhận học bổng tiếp sức đến trường, đôi bàn tay hứng những dòng nước sạch đến nhà của người dân và những khát vọng chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế địa phương của người lãnh đạo mới thấy ý nghĩa lớn lao sau chương trình Tết An Bình 2023.
Không chỉ gieo những mầm hạnh phúc cho người dân nơi đây, mà chính chúng tôi cũng có những bài học đáng nhớ cho bản thân về việc bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nước sạch.
Từ Đại - Tình nguyện viên Tết An Bình 2023
Bình luận (0)