Nhiều người lao động VN ở Thái Lan không thể về nước trong dịp tết vì hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, hàng ngàn người hộ chiếu hết hạn, chấp nhận rủi ro bị bắt để tìm đường về đón tết ở quê nhà.
Một người bán hàng rong VN không thể về quê ăn tết vì không có tiền - Ảnh: Lam Yên |
Người ở lo âu
Ngày thường, những khu Silom, Nana, Khao San, Siam, Central World ở Bangkok nhộn nhịp tập trung xe hàng rong nhưng trước tết chừng nửa tháng, dân hàng rong Việt đã vắng thấy rõ vì hầu hết đều về quê. Thấy một xe kem dừa của người VN, tôi đến hỏi thăm. Nguyễn Văn Phú (Hà Tĩnh) chép miệng thở dài: “Bên nhà điện sang nói ông già bệnh nặng, muốn về thăm lắm nhưng em bị hộ chiếu chết (hết hạn thị thực - NV) mà dịp tết nhà xe đòi tiền cao quá. Em gom không đủ tiền nên chắc phải ở lại thôi”.
Tại khu Nana, chiều 22 tết, Hoàng Thị Trâm (quê H.Triệu Sơn, Thanh Hóa) vẫn ôm cái bụng bầu lặc lè đẩy chiếc xe nước lựu ra bán. Cô sang Thái được vài tháng, hộ chiếu đã hết hạn thị thực từ lâu nên đang rất lo. Trâm buồn thiu: “Em muốn đẻ con ở VN nhưng hết hạn thị thực, cứ trễ 1 ngày đóng 500 baht (khoảng 330.000 đồng). Mà em trễ đến mấy tháng, làm gì đủ tiền nộp phạt. Còn về chui bằng đường sông thì rẻ hơn nhiều nhưng em bầu bì nên không dám. Bây giờ đã bầu 9 tháng, em cũng không biết phải làm sao”.
Bữa tất niên của lao động Việt ở Thái
|
Không đủ tiền về quê cũng dễ hiểu, nhưng đủ tiền vẫn không thể về đó là trường hợp của Trần Hoàng Lam (Nghệ An). Anh đang làm chủ một tiệm may gia công nhỏ tại Rangsit (tỉnh Pathum Thani) với gần 10 nhân công người Việt. Anh cho biết dịp tết, hầu hết người làm đều về quê, để đảm bảo nguồn hàng giao cho khách, hai vợ chồng phải gánh phần việc của họ. “Vì thế, tết tôi lại càng làm việc mệt hơn ngày thường. Tôi đã ăn tết xa gia đình 13 năm. Tối qua gọi điện về nhà mẹ tôi cũng khóc, xem cảnh nhà gói bánh chưng đón tết mà buồn nẫu ruột. Cũng vì sinh kế, có ai muốn xa gia đình dịp tết đâu”, anh Lam tâm sự.
Người về nơm nớp
Chỉ trong hai ngày 28 và 29.1, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ gần 50 người Việt, hơn 30 người tại tỉnh Udon Thani và 11 người tại Nong Khai - tỉnh đông bắc Thái, giáp Lào. Những người này quê Nghệ An và Hà Tĩnh, tuổi từ 20 đến 58, bị bắt khi đang ngồi trên xe đến bến sông để lên thuyền đi chui sang Lào rồi về VN ăn tết. Hiện họ đang bị điều tra về tội cư trú và lao động bất hợp pháp.
Ông Thọ, một trong số những người bị bắt, cho biết đường tàu từ Bangkok về các tỉnh đông bắc như Udon Thani, Nong Khai (đường bộ phổ biến của người VN sang Thái - NV) đều bị công an chặn kiểm tra rất gắt gao. “Công an ở đây kể dịp gần tết, ngày nào cũng bắt được người VN. Hôm 28.1 cũng bắt được 15 người. Hôm nay thì 30 người”, ông viết trên Facebook. Trước đó chừng một tuần, 14 người VN (12 nam, 2 nữ, tuổi từ 14 đến 50) trên đường về quê ăn tết cũng bị tạm giữ tại tỉnh Udon Thani vì thị thực hết hạn và không có giấy phép lao động hợp pháp tại Thái.
Linh mục Anthony Lê Đức, người giúp tư vấn pháp luật cho lao động chui tại Thái cho biết mỗi năm có hàng nghìn người Việt làm việc tại Thái Lan về quê ăn tết, trong đó nhiều người không có giấy tờ hợp pháp. Vì thế không ít người bị bắt giam hoặc phạt rất nhiều tiền. Ngoài cảnh sát Thái, lao động chui VN còn là mục tiêu của cảnh sát Lào khi họ đi lậu qua nước này để về quê. Ngày 20.1 một nhóm người VN cũng bị bắt ngay khi vừa cập bờ sông Mê Kông ở phía Lào. Trước đó vài hôm, 12 người Việt cũng bị bắt tại điểm này. “Tôi biết năm ngoái có trường hợp một người dân phải gom hết tiền dành dụm cả năm trời được 100.000 baht đóng phạt để cảnh sát thả về nước”, linh mục Lê Đức kể với Thanh Niên.
Đầu tháng 12.2015, Thái Lan có đợt đăng ký, cấp phép cho lao động VN quá hạn thị thực. Đối tượng là những người nhập cảnh lần cuối trước ngày 10.8.2015, có chủ lao động là người Thái và làm việc trong 4 nghề: giúp việc nhà, phục vụ quán ăn, xây dựng và nghề cá.
Hiện có khoảng hơn 50.000 lao động bất hợp pháp tại Thái và Đại sứ quán VN, ước tính 50% trong số này đủ điều kiện đăng ký cấp phép lao động. Tuy nhiên, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN tại Bangkok Trần Mạnh Hùng cho Thanh Niên hay: “Sau thời gian triển khai, khoảng 1.500 người được cấp phép lao động”. Tức là vẫn còn khoảng hơn 48.000 người lao động chui.
Hiện tại, VN đang tích cực làm việc với Thái Lan để đảm bảo quyền lợi cho bà con lao động như đề nghị Thái mở rộng các ngành nghề bà con ta được phép làm, kéo dài thời gian làm việc sau khi đăng ký, sớm triển khai hợp tác tuyển dụng lao động chính thức...
Trước mắt, đại sứ quán đề nghị bà con tuân thủ đúng hướng dẫn của chính quyền Thái, không có phản ứng tiêu cực trước các biện pháp quản lý của nước sở tại, tham gia tích cực vào việc đăng ký lao động. Về lâu dài, bà con nên tham gia làm việc hợp pháp theo các ngành nghề cho phép tại Thái.
|
(*) Một số nhân vật trong bài đã được thay tên
Bình luận