Tết cho mọi nhà, là phải làm sao cho tất cả mọi ngôi nhà Việt Nam, mọi gia đình Việt Nam, không nhiều thì ít, đều có tết.
Giá trị cao nhất của tết Việt Nam là sự sum họp gia đình, là niềm vui có được trong căn bếp dù nhỏ bé nhất, trong bữa cơm đầu năm mới dù đạm bạc nhất.
Nhưng khi nói "Tết cho mọi nhà" thì chúng ta đều hiểu rằng, những hoạt động chia sẻ trước tết, những món quà, những chuyến đi về vùng sâu, vùng xa, lên núi xuống biển của những đoàn, đội thiện nguyện mang sự ấm áp cụ thể, thực chất đến với những gia đình, những con người còn thiếu thốn để tất cả mọi người đều bình đẳng trong niềm vui đón tết, đó chính là biểu hiện cao đẹp nhất của tình yêu thương mang đậm chất Việt. Việt Nam là vậy. Đồng bào là vậy.
Trước tết, những chuyến xe nghĩa tình liên tục lăn bánh từ TP.HCM, từ Hà Nội, về miền Bắc, về miền Trung, về miền Tây Nam bộ chở những đồng bào mình có nguyện vọng được về quê đón tết, đã khiến các quốc lộ như thông thoáng hẳn lên vì những ngọn gió lành mát tình người.
Trước tết, những món quà dù lớn dù nhỏ tới tận tay đồng bào mình đã khiến những lời chỉ đạo chân tình của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ trở nên ấm áp và thân gần với mỗi người dân, cả người cho và người nhận quà.
Có phải, "Tết cho mọi nhà" là vậy.
"Không một ai bị lãng quên - Không một cái gì bị quên lãng". Ngày chiến tranh, những người lính ra trận chúng tôi đã biết câu thơ này của nữ thi hào Liên Xô Olga Berggoltz, câu thơ được khắc trên Đài kỷ niệm chiến thắng Leningrad.
Bây giờ Việt Nam chúng ta đã hòa bình gần 50 năm, nhưng tình yêu thương, nghĩa đồng bào là những gì chúng ta khắc cốt ghi tâm không bao giờ quên lãng. Dù trong khổ cực hay lúc sướng vui, với người Việt Nam, tết Việt Nam là tết chung của tất cả mọi nhà.
Bình luận (0)