Vốn đã sẵn sàng

05/02/2024 04:18 GMT+7

Nếu như năm 2023, nghẽn vốn là nguyên nhân lớn nhất khiến người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế vuột qua không ít cơ hội bứt phá thì năm 2024, nút thắt này đã được khai thông rất sớm.

Ở thời điểm hiện tại, vốn đã sẵn sàng trên cả 2 mũi giáp công: đầu tư công và tín dụng ngân hàng. Đầu tiên là đầu tư công. Chúng ta đều biết đầu tư công mấy năm vừa qua được coi là giải pháp chủ lực để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Thế nên Chính phủ luôn khẩn trương giao vốn sớm cho các bộ, ngành địa phương để chủ động triển khai các dự án trọng điểm quốc gia. Năm nay cũng vậy, tính đến ngày 1.2 theo thông tin từ lãnh đạo Bộ KH-ĐT, Chính phủ đã giao 97% tổng vốn đầu tư công cho các địa phương, bộ ngành, tương đương 622.000 tỉ đồng. Cũng nhờ giao sớm, giải ngân đầu tư công tháng 1 đã có sự bứt phá, đạt 2,58%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái cả về số tương đối và số tuyệt đối. Cụ thể, cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 1,8%, tương đương 12.800 tỉ đồng thì riêng tháng 1.2024 đã đạt khoảng 16.900 tỉ đồng. Quan trọng hơn, những vướng mắc cơ bản của các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn có tính lan tỏa, liên kết vùng đã cơ bản được khắc phục. Vì thế chúng ta có cơ sở để tin rằng năm nay, giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt hơn.

Cũng ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao toàn bộ chỉ tiêu tín dụng 15% cho các NH thương mại để chủ động trong hoạt động kinh doanh. Với tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế năm 2023 khoảng 13,56 triệu tỉ đồng, mức tăng trưởng tín dụng 15% cả năm 2024 có nghĩa là hệ thống NH sẽ có thêm gần 2 triệu tỉ đồng để cho vay. Quan trọng hơn, với việc sớm giao room cả năm trong một lần thay vì phân bổ thành nhiều lần như trước, NHNN đã phát đi thông điệp rằng các NH thương mại phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, có trách nhiệm hơn trong việc thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế. Quan điểm này trái ngược hẳn với sự thận trọng quá mức của năm 2023 mà hệ lụy là nghịch lý NH ế vốn trong khi người dân và doanh nghiệp (DN) đói vốn, khó tiếp cận vốn như chúng ta đã chứng kiến.

Đặc biệt, lãi suất cho vay quá cao, một nút thắt quan trọng trong việc gây ách tắc vốn tín dụng ra nền kinh tế cũng đã và đang được tháo gỡ. Đến thời điểm hiện tại, lãi vay đã giảm khá mạnh, không chỉ với khoản vay mới mà cả nợ cũ. Nhiều cá nhân, DN đã tiếp cận được vốn với lãi suất 5 - 6%/năm, bình quân khoảng gần 7%. Số liệu mới nhất cho thấy tiền gửi cư dân và DN vào các NH vẫn cao kỷ lục nên dự báo trong thời gian tới, lãi vay vẫn còn tiếp tục giảm, kích thích nhu cầu sử dụng vốn trong nền kinh tế.

Bên cạnh vốn đầu tư công, vốn tín dụng thì vốn FDI, kiều hối... đều có những tín hiệu khả quan ngay từ tháng đầu tiên của năm. Chưa kể một loạt các luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Các tổ chức tín dụng... mới được thông qua cũng được kỳ vọng sẽ giải phóng nguồn lực trong nền kinh tế năm nay và giai đoạn sắp tới.

Năm 2024 là năm bản lề của giai đoạn phát triển kinh tế 5 năm 2021 - 2025 nên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đang dốc toàn lực cho chặng về đích này. Vì thế, sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng và Nhà nước, sự tích nén của người dân - DN suốt 4 năm kể từ đại dịch Covid-19 cũng có thể coi là dư địa quan trọng để chúng ta "làm bàn" sau một loạt các nền tảng về chính sách, hạ tầng, cải cách đã thực hiện trước đó.

Hay nói một cách đơn giản thì không chỉ vốn mà mọi thứ đã sẵn sàng để nền kinh tế phục hồi và trở lại đường đua tăng trưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.