Tết đầu lúa của đồng bào vùng cao

24/02/2015 21:04 GMT+7

Tết Đầu lúa là tục lệ có từ rất lâu đời và gắn liền với tập tục trồng lúa trên nương rẫy của đồng bào Rắc Lây và K’ho ở H.Bắc Bình, Bình Thuận.

Tết Đầu lúa là tục lệ có từ rất lâu đời và gắn liền với tập tục trồng lúa trên nương rẫy của đồng bào Rắc Lây và K’ho ở H.Bắc Bình, Bình Thuận.

Một số hình ảnh ở lễ hội tết đầu lúa năm 2015 của đồng bào vùng cao H.Bắc Bình, Bình Thuận
Đây cũng là dịp để đồng bào thể hiện sự tôn vinh và niềm tin đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu cho cây lúa không bị quấy nhiễu, không bị sâu rầy để đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho dân làng.
Trước đây người K’ho, Rắc Lây ăn tết trong từng gia đình, giờ được quan tâm của nhà nước nên bà con đã có ngày tết chung của dân tộc mình. Trải qua 20 kỳ lễ hội, người K’ho, Rắc Lây đã thể hiện tình đoàn kết keo sơn gắn bó của đồng bào vùng cao chung sống an lành trên quê hương Bình Thuận.
Ông Mang Biên (xã Phan Tiến, H.Bắc Bình) cho biết: “Tết Đầu lúa là dịp bà con nhớ ơn tổ tiên, biết ơn mẹ lúa. Là dịp giáo dục cho con cháu truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc. Đời sống người dân ngày càng khấm khá no đủ hơn nên tết đầu lúa vì thế cũng đông vui hơn, đoàn kết hơn”.
Năm nay, xã Phan Tiến vinh dự đăng cai tổ chức lễ hội tết đầu lúa lần thứ 20 cùng với sự tham gia của 3 xã vùng cao Phan Lâm, Phan Sơn và Phan Điền. Trong những ngày diễn ra lễ hội, các đoàn tham dự đã tổ chức dựng cây nêu, cắm trại và tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Phần lễ là các nghi thức lễ cúng hạt lúa mới, cầu mưa thuận gió hòa. Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi như: thi đi cà kheo, bắn nỏ, gùi nước về làng, nấu cơm ống tre, thi dựng cây nêu, biểu diễn trang phục dân tộc,…
Vừa tham dự phần thi bắn nỏ, em Đào Thị Ngọc Thương (xã Phan Lâm, H.Bắc Bình) vui vẻ nói: “Hòa mình tham dự vào ngày hội, những người trẻ như chúng em càng hiểu và tự hào hơn về truyền thống văn hóa dân tộc mình. Từ đó biết cách giữ gìn phát huy những nét văn hóa độc đáo của dân tộc, bài trừ những hủ tục lạc hậu không phù hợp với đời sống hiện nay”.
Sau những phần thi tranh tài sôi nổi, đến phần mọi người trông đợi nhất là đêm hội tết đầu lúa. Mở đầu là phần lễ với nghi thức thu hoạch lúa mẹ trên nương và giã lúa mừng lúa mẹ về cúng Giàng. Sau đó là nghi thức già làng lạy tạ Giàng, thần linh đã giúp dân làng làm ăn phát đạt. Phần hội với những bài ca, điệu múa mừng lúa mới đã về trên buôn làng. Tiếng trống, tiếng mã la, tiếng chày giã gạo như tạo thêm thanh âm nhộn nhịp của đêm hội đầy sắc màu.
Người xem như say với từng tiết mục, điệu múa và bên men nồng của chóe rượu cần thơm nức. Đêm càng khuya, hội càng rộn rã. Những cánh tay năm chặt nối dài vòng tròn, bên ánh lửa bập bùng, mọi người lại tay trong tay hát lên bài ca kết đoàn.
Lễ hội tết đầu lúa vừa là nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần đoàn kết hơn nữa tình cảm keo sơn của anh em các dân tộc ở các xã vùng cao. Ngày tết đầu lúa của bà con miền núi vùng cao tỉnh Bình Thuận ngày nay đã không còn là hội làng của riêng đồng bào K’ho, Rắc Lây nữa mà là ngày hội lớn thu hút mọi lứa tuổi của các dân tộc anh em đến cùng chung vui. Ngày hội đầu lúa đã mở đầu cho những ngày hội xuân của năm mới, hi vọng về một cuộc sống vui tươi, no đủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.