Tết đến, công nhân vệ sinh môi trường ‘gồng mình’ tăng ca dọn rác

08/02/2024 10:11 GMT+7

Tết đến, nhiều người nghỉ ngơi, đi chơi, còn công nhân vệ sinh môi trường miệt mài làm việc và phải tăng ca vì lượng rác thải sinh hoạt nhiều hơn hẳn ngày thường.

Đi sớm, về trễ mới xử lý hết rác

Tết đến, đường phố thay đổi nhiều, lung linh hơn, màu sắc hơn và cũng… nhiều rác hơn. Đây có thể nói là thời điểm cực nhọc nhất trong năm đối với công nhân vệ sinh môi trường. Họ phải đi làm sớm và về trễ hơn bình thường mới xử lý hết rác. Trái ngược với hình ảnh tết sum vầy, ấm cúng bên mâm cơm gia đình như bao người, họ phải ăn uống vội vàng bên đường, thức ăn mang theo nguội lạnh, để tranh thủ tăng ca.

Tết đến, công nhân vệ sinh môi trường ‘gồng mình’ tăng ca dọn rác- Ảnh 1.

Tết đến, công nhân vệ sinh môi trường miệt mài làm đẹp cho thành phố

THANH DUY

Bà Đỗ Thị Thu Trang (55 tuổi) công nhân Công ty TNHH MTV công trình đô thị TP.Cần Thơ, cho biết những ngày này, người người dọn nhà ăn tết nên rác ngoài vỉa hè rất nhiều. Công việc quét rác, thu gom rác vất vả. Song, nặng nhọc nhất vẫn là những người chuyển rác lên xe, ép rác chuyển về điểm tập kết. Từ ngày 30 đến mùng 2 tết, bà Trang làm thêm ca ngày, bắt đầu từ 10 giờ đến khoảng 15 giờ thì về. Tối lại xuống đường lúc 22 giờ, làm việc tới khoảng 4 giờ sáng hôm sau mới xong việc.

Tết đến, công nhân vệ sinh môi trường ‘gồng mình’ tăng ca dọn rác- Ảnh 2.

Lượng rác trong những ngày tết nhiều gấp đôi so với ngày thường

THANH DUY

"Mức lương của tôi 4,2 triệu đồng/tháng. Mỗi buổi tăng ca được nhận 140.000 đồng, ráng chịu cực nhưng có thêm thu nhập. Năm nay, công ty hứa cho nửa tháng lương ăn tết, lương chính thì đến mùng 6 tết (tức 15.2 dương lịch) mới nhận. Thành ra, năm nay gia đình ăn tết muộn và ăn tết cũng rất eo hẹp", bà Trang chia sẻ.

Ông Phan Văn Ngon (55 tuổi, Công ty TNHH xây dựng Đỗ Duy) cho biết, phần việc chở rác, ép rác được trả 175.000 đồng/ngày. Tết năm ngoái, ông Ngon được công ty thưởng 100.000 đồng, 5 kg gạo. "Mình làm công nhật, làm ngày nào hưởng ngày đó, không có bảo hiểm. Dịp tết, rác tăng gấp đôi, không dưới 14 - 15 tấn nên phải tăng lượt xe đi thu gom. Công việc làm xuyên đêm nên chuyện ăn tết với tôi cũng rất đơn giản. Sáng làm mâm cơm cúng ông bà, cả nhà cùng ăn cơm. Sau đó, tôi tranh thủ đi ngủ bù để lấy sức, tối lại đi làm, thành ra không có đi chơi đâu hết", ông Ngon nói.

Tết đến, công nhân vệ sinh môi trường ‘gồng mình’ tăng ca dọn rác- Ảnh 3.

Trong khi nhiều người đi chơi tết, công nhân vệ sinh môi trường vẫn âm thầm làm việc

THANH DUY

Đón giao thừa ngoài đường

Rác nhiều đồng nghĩa với công việc của công nhân vệ sinh môi trường đối mặt với nhiều tiềm ẩn rủi ro lao động. Từ tiếp xúc với rác thải có nguy cơ độc hại, kim sắt nhọn… Công việc vất vả, một góc nhìn nào đó còn là sự hy sinh niềm vui của bản thân để phục vụ cho xã hội nhưng không phải ai cũng hiểu nghề công nhân vệ sinh môi trường.

Tết đến, công nhân vệ sinh môi trường ‘gồng mình’ tăng ca dọn rác- Ảnh 4.

Nhiều người còn tranh thủ tăng ca, làm cả buổi sáng và tối để kiếm thêm thu nhập trong ngày tết

THANH DUY

Dẫu biết rằng, thu gom rác là công việc, trách nhiệm của công nhân vệ sinh. Song, họ cũng chạnh buồn, bất lực khi chứng kiến những người vứt rác bừa bãi xuống đường ngay trước mặt mình. Khi nhắc nhở nhẹ thì chịu những lời lẽ khiếm nhã, khó nghe. "Có người tử tế, rác được họ phân loại, bỏ vào từng túi ni lông giúp cho mình. Có người vứt bỏ lung tung, nghĩ mình được trả lương thì tất nhiên phần việc thu gom đó là trách nhiệm của mình", một công nhân vệ sinh làm việc trên đường Trần Hưng Đạo (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), chia sẻ thêm.

Tết đến, công nhân vệ sinh môi trường ‘gồng mình’ tăng ca dọn rác- Ảnh 5.

Công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, như tiếp xúc với rác thải có nguy cơ độc hại, kim sắt nhọn

THANH DUY

Bà Nguyễn Thị Hồng (56 tuổi, Công ty TNHH Xây dựng Đỗ Duy) cho biết, khi công ty cổ phần, bà được khuyến khích nghỉ hưu non vào năm 2015. Hiện, bà tiếp tục xin hợp đồng làm thêm để lo tiền cho người con trai đang học cao đẳng ở Cần Thơ.

"Làm môi trường này là đi suốt, không có ngày nào nghỉ, kể cả tết. Nghề này làm cho hết việc chứ không làm cho hết giờ. Hơn 30 năm rồi chỉ đón giao thừa ở ngoài đường. Tôi phải tranh thủ làm mâm cơm, đón giao thừa sớm cùng con. Công việc đòi hỏi mình phải đón tết theo cách riêng của mình. Năm ngoái, làm việc tới sáng mùng 1 thì chị em đồng nghiệp tạm nghỉ chốc lát, ghé vào chùa đốt nhang, khấn vái cầu may. Thấy ai cũng mặc bảnh bao, tươm tất, mình mặc bộ quần áo "ám mùi" nên cũng ngại', bà Hồng nói.

Tết đến, công nhân vệ sinh môi trường ‘gồng mình’ tăng ca dọn rác- Ảnh 6.

Công việc vất vả, một góc nhìn nào đó còn là sự hy sinh niềm vui của bản thân để phục vụ cho xã hội, nhưng không phải ai cũng hiểu nghề công nhân vệ sinh môi trường

THANH DUY

"Tết đến cũng có người tổ chức những chuyến thiện nguyện, chạy các tuyến đường để tặng quà cho chúng tôi. Nào là bánh tét, bún, gạo, có khi là phong bao lì xì nho nhỏ. Điều đó làm mình xúc động, có thêm động lực, niềm vui nhỏ làm việc xuyên tết', ông Nguyễn Văn Tùng (55 tuổi, Công ty TNHH MTV công trình đô thị TP.Cần Thơ), tâm sự.

Tết đến, công nhân vệ sinh môi trường ‘gồng mình’ tăng ca dọn rác- Ảnh 7.

Ngày tết, công nhân vệ sinh môi trường phải đi làm sớm, về trễ hơn bình thường mới xử lý hết rác

THANH DUY

Theo chị Nguyễn Thị Thùy Trâm (32 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều): "Có công nhân vệ sinh môi trường mới có những con đường xanh, sạch, đẹp, không khí trong lành để chúng ta thoải mái học tập, làm việc. Thiết nghĩ rằng, ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường chung, bỏ rác đúng nơi thì sẽ góp phần giúp những người công nhân vệ sinh môi trường có thêm thời gian quý báu bên gia đình, con cái trong những ngày tết".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.