Nhiều người trẻ mới đi làm rất ngại tết |
NGUYỄN CÔNG TƯỜNG |
Muốn cái tết của gia đình “ấm” hơn trước
Theo Võ Thị Hồng Ngọc (21 tuổi), ngụ tại kiệt 33, đường Nguyễn Chí Thanh, khu phố 7, P.5, TP.Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), mỗi dịp tết đến bản thân mình và gia đình cũng phải sắm sửa rất nhiều thứ để đón một cái tết thật chu toàn. Mặc dù ngày tết rất vui nhưng Hồng Ngọc vẫn thấy mọi thứ khá tốn kém.
Nhiều người trẻ hiện nay dù chưa ra trường nhưng đã có việc làm từ rất sớm, dù tiềm lực vẫn chưa lớn nhưng họ luôn muốn có trách nhiệm với gia đình |
DUY MẠNH |
“Lúc mình còn học năm thứ nhất, năm thứ 2 đại học thì mình không đặt nặng nhiều về vấn đề tài chính, vì khi đó hầu hết mọi thứ vẫn còn phụ thuộc vào gia đình. Nhưng với công việc làm content (sáng tạo nội dung) hiện tại thì mức lương của mình chỉ ở mức tạm đủ. Mặc dù đã tiết kiệm được một số tiền để gửi về cho gia đình nhưng không quá nhiều, nên mình cũng khá lo lắng về việc phải sắm sửa cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, Hồng Ngọc bày tỏ.
Nói về lý do e ngại, cô bạn này cho biết nó xuất phát từ trách nhiệm của bản thân và hoàn cảnh gia đình. “Nhà mình không có điều kiện khá giả nên mỗi lần đến dịp tết, muốn chuẩn bị hay mua sắm những gì thì cũng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Cho nên, mình cũng muốn phụ giúp gia đình để giảm bớt gánh nặng về tài chính”, Hồng Ngọc cho hay.
Cùng nỗi lo với Hồng Ngọc, Đặng Thị Kim Ngân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng muốn đóng góp một phần gì đó cho gia đình trong dịp tết đến bởi vừa tìm được công việc và có chút thu nhập.
“Từ lúc đi làm thì mình cảm nhận tết đến có đôi chút khác lạ, khi năm nay sẽ về nhà trễ hơn một xíu. Vì mình muốn tự đặt áp lực cho bản thân khi đã có công việc nên cũng mong muốn năm này có thể giúp một phần cho cái tết của gia đình "ấm" hơn so với trước kia”, Kim Ngân nói.
Đã đi làm được 1 năm, Đào Duy Mạnh (20 tuổi), hiện đang làm thực tập sinh thiết kế kinh doanh của công ty TNHH Bayer Việt Nam (ngụ tại số 106 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết mình đã có được nhiều trải nghiệm, nhận được nhiều cơ hội trong công việc và các mối quan hệ tốt. Tuy nhiên, vào giai đoạn tết năm nay, Duy Mạnh cũng có vô vàn nỗi lo.
Hiện tại, Duy Mạnh (trái) đang có nỗi lo làm sao cân bằng giữa thời gian nghỉ tết bên gia đình và quay trở lại công việc |
NVCC |
“Vì quê mình ở Đà Nẵng nên nỗi lo lớn nhất của mình là vé máy bay về dịp tết, hôm qua mình đặt thì giá đã tăng gấp đôi. Mấy năm trước là do ba mẹ đặt vé cho mình nhưng năm nay khi tự bản thân đã đi làm, tự lo thì mình đã biết được sự khó khăn như thế nào. Và mình cũng suy nghĩ rất nhiều về việc mua quà cáp gì cho mọi người làm sao đủ với khoảng thu nhập mình kiếm được", Duy Mạnh cho hay.
Chàng trai này cũng cho biết rằng bản thân đang cố gắng làm sao để cân bằng giữa việc nghỉ tết và quay trở lại công việc vì năm nay Mạnh sẽ không về nhà lâu như trước kia khi công việc đang quá nhiều.
Mạnh bày tỏ: "Khác với khi chưa có công việc, mình từng có rất nhiều thời gian ở bên cạnh gia đình dịp tết nhưng khi có công việc rồi thì mình cũng phải sắp xếp sao cho hợp lý. Ngoài ra, mình cũng có nỗi lo là khi nghỉ tết vào rồi thì mình sẽ bắt đầu với những dự định công việc mới như thế nào để không ảnh hưởng tiến độ trước đó".
Giúp gia đình phù hợp với nguồn tài chính mà mình đang có
Khi được hỏi về quan điểm nhiều người trẻ đang tự đặt áp lực gắn với trách nhiệm phải chăm lo được gì đó cho gia đình trong dịp tết khi đã có công việc, ông Trần Bằng Việt, Giám đốc điều hành của Đông A Solutions cho hay: "Việc khao khát của người trẻ muốn có hành động để đền ơn hay ghi nhận với gia đình và người thân, đặc biệt trong dịp tết cổ truyền thì rất tích cực, nên được khuyến khích. Chính nhờ những cảm xúc như vậy mà người ta lớn lên, khiến người trẻ có thêm nỗ lực, điều đó đáng trân trọng”.
Ông Trần Bằng Việt cho rằng việc người trẻ có mong muốn đặt trách nhiệm của mình với gia đình khi tìm được việc làm là điều rất đáng trân trọng |
NVCC |
Ông Việt cho biết thêm nhiều người trẻ có tâm lý sau khoảng thời gian rất dài sử dụng tiền của gia đình nên có cảm giác sợ mọi người còn xem mình là “bé bỏng”. Chính vì vậy, khi các bạn tìm được việc làm có thu nhập thì muốn khẳng định bản thân mình đã lớn, có thể tạo ra giá trị giúp đỡ ba mẹ hoặc ít nhất là không “bám” gia đình nữa.
“Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn chưa có đủ sự thoải mái, tự tin trong chuyện này. Nhất là khi tiếp xúc với nhiều mối quan hệ hay quan điểm từ người khác về việc dùng vật chất để đánh giá sự thành công của con người. Đặc biệt khi gặp ai đó hỏi một số câu nhạy cảm như: "Đang làm việc gì?", “Lương tháng bao nhiêu?"… Nếu bị chìm trong những quan điểm bất lợi như vậy thì người trẻ có thể bị lệch lạc và giảm đi động lực tốt đẹp ban đầu”, ông Việt nói.
Cũng theo ông Việt, ý nghĩa của món quà sẽ lớn hơn giá trị vật chất của món quà đó. Vào dịp tết, người trẻ nên dành nhiều thời gian quan tâm đến gia đình và lắng nghe cảm nhận của họ để có thể cân nhắc lựa chọn sự đóng góp phù hợp với nguồn tài chính mà mình đang có. Như vậy, câu chuyện người trẻ dù mới đi làm cũng có thể cùng gia đình chuẩn bị một cái tết trọn vẹn mà không quá quan trọng về hình thức hay trách nhiệm.
Bình luận (0)