Tết Đoan Ngọ: Gia đình người Hoa ở Sài Gòn nấu bánh bá trạng xuyên đêm

01/06/2022 13:45 GMT+7

Nửa tháng trước Tết Đoan Ngọ, gia đình đình người Hoa hơn chục thành viên ở Sài Gòn đã tập trung nấu bánh bá trạng xuyên đêm. Không khí một số con hẻm ở Chợ Lớn cũng vì vậy mà rôm rả đón ‘Tết nửa năm’.

Nếu như trên bàn thờ ngày Tết Nguyên Đán của người Việt thường có bánh chưng, bánh tét, thì Tết Đoan Ngọ, người Hoa ở Sài Gòn nhà nào cũng cúng bánh bá trạng. “Bá” (có nơi phiên âm là “bạ”) là thịt, còn “trạng” là bánh ú.

Tết Đoan Ngọ ở TP.HCM: Gia đình người Hoa nấu bánh bá trạng xuyên đêm

Quay lại thăm gia đình bà Phùng Kim (88 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) - người Hoa sống trên hẻm Tuệ Tĩnh nổi tiếng 3 thế hệ làm bánh bá trạng không kịp bán mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, tôi đã thấy nhiều điều đổi thay, buồn có, vui có.

2 năm trước, vợ chồng cụ bà còn ngồi trên chiếc ghế, nhắc nhở con cháu làm bánh, thì nay ở phòng khách chỉ có con cháu. Sau dịch Covid-19, cụ ông mất còn bà Kim thì chân cũng yếu hẳn, chỉ ở trong phòng riêng. Nhưng nồi nấu bánh của gia đình đã to hơn và số lượng bánh khách đặt cũng tăng theo thời gian.

Trên bàn thờ của người Hoa thường không thể thiếu bánh bá trạng dịp Tết Đoan Ngọ. Ngoài ra, bàn thờ còn có thể có thêm heo quay, gà luộc, trái cây,...

vũ phượng

Bà Tránh Cúa (bên trái, con dâu bà Phùng Kim) cho biết, cứ đến dịp này, nhiều người trong nhà lại xin nghỉ việc để ở nhà cùng nhau làm bánh bá trạng. Đây gần như là truyền thống của gia đình, là dịp để cả gia đình hội họp, cùng nhau làm bánh, nói chuyện rôm rả sau gần nửa năm.

vũ phượng

Chị Chiêu Lệ Ân (21 tuổi, cháu ngoại bà Phùng Kim) cho biết, từ ngày còn nhỏ xíu đã phụ ngoại làm bánh bằng những việc đơn giản như trộn nếp, rửa lá, cắt dây. Tới khi lớn hơn thì biết ướp nhân, cột bánh. Nhưng công đoạn gói bánh để ra chiếc bánh đẹp thì gia đình mới chỉ có 2 người được đảm nhận. Trong ảnh là nguyên liệu làm bánh bá trạng.

vũ phượng

Bà Lâm Phương (bên trái, con gái bà Phùng Kim) được mẹ truyền nghề, sau đó bà đã truyền lại cho con gái Chiêu Lệ Ân. Theo bà Phương, để đủ số lá cho 10.000 bánh, gia đình đã phải mua lá từ vài ngày trước, bảo quản trong tủ đông để giữ được độ xanh của lá. Sau khi nấu xong, bánh để bên ngoài được 2 ngày, bảo quản ngăn mát tủ lạnh khoảng 10 ngày.

vũ phượng

Anh Triệu Phong (26 tuổi) - đời thứ ba nối nghiệp ông bà ngoại làm bánh bá trạng. Tay nhanh thoăn thoát, anh chia sẻ, cứ tới dịp này là không khí trong nhà lại đông vui, nhộn nhịp. Nhất là vào ngày chủ nhật, hơn chục người cùng nhau làm bánh, nói chuyện, không khí gia đình ấm áp.

vũ phượng

Theo thời gian, khách đặt bánh lại tăng lên nên nồi nấu bánh của nhà bà Phùng Kim cũng phải đổi sang những nồi to hơn. Bà Kim không phân biệt khách sỉ, khách lẻ, giá bán bánh đều như nhau dù mua nhiều hay ít.

vũ phượng

Những chiếc bánh bá trạng gói đều răm rắp. Bí quyết để khách quay lại với gia đình là hương vị bánh đậm đà, thơm ngon vì ướp nhân theo công thức gia truyền, nguyên liệu để làm bánh cũng được tuyển chọn hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

vũ phượng

Sau khi nấu 8 tiếng, bánh được vớt ra treo cho ráo nước. Một chiếc bánh 600 gr có giá 65.000 đồng, bánh 700 gr giá 75.000 đồng. Ngoài ra, khách có thể đặt bánh lớn hơn theo yêu cầu.

vũ phượng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.