Tết giản dị với bánh chưng, muối vừng

08/02/2013 09:35 GMT+7

(TNO) Không đủ đầy với bánh chưng, dưa hấu, củ kiệu, dưa hành hay thịt kho tàu, bữa ăn đoàn viên ngày cuối năm của gia đình công nhân giản đơn nhưng vẫn ấm cúng, vui tươi.

Trong căn phòng nhỏ ở khu lưu trú công nhân số 63 trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú, TP.HCM, hôm nay (8.2, tức 28 tháng chạp) gia đình anh Hoàng Đình Phúc và chị Phạm Thị Lý, một trong nhiều gia đình lao động nghèo tại đây, háo hức chuẩn bị đón tết.

Đã nhiều năm nay, gia đình anh chị không thể về quê ăn tết và năm nay cũng không ngoại lệ.

Bữa cơm đạm bạc

Cùng chị Lý đi chợ, chuẩn bị lễ cúng gia tiên, chúng tôi mới thấy cái tết đến với gia đình công nhân nghèo thật không dễ dàng.

Khi thanh toán những thứ đã mua, chị Lý rút từng đồng tiền lẻ ra trả rồi lại bỏ tiền dư vào túi rất kỹ càng. Chị Lý không mua nhiều, chỉ lát thịt, bó rau và ít cành hoa để trên bàn thờ.

Chúng tôi thật sự bất ngờ khi nhìn vào bữa cơm gia đình, bữa cơm được coi là thịnh soạn nhất dịp cuối năm là có thêm lát thịt heo luộc. Ngoài thịt luộc là cơm trắng chấm muối vừng với ít rau luộc và cái bánh chưng nhỏ.

Theo anh Hoàng Đình Phúc, chỉ có năm nay, anh mới chắt chiu được thêm mấy chục ngàn đồng để mua 2 cái bánh chưng cho gia đình và để mời thêm một số bạn bè trong khu lưu trú. Một người bạn biếu anh thêm ít nước ngọt để bữa cơm thêm vui vẻ.

Chị Lý cho biết một bữa đi chợ ngày thường chỉ chừng 15-20 ngàn đồng/ngày cho cả nhà 4 miệng ăn. Riêng dịp tết, để có không khí, chị tăng gấp đôi số tiền đi chợ để con có thêm thịt trong bữa cơm. Và điều quan trọng là để có một lễ cúng gia tiên đầy đặn.

Có lẽ, những gì trong bữa cơm không phải điều mà mọi người quan tâm nhất vì cả gia đình chị ít khi có được bữa ăn đoàn tụ. Do làm phục vụ ở nhà hàng, chị phải làm việc tới khuya mới về đến nhà, anh lại chạy xe ôm nên thời gian ăn uống của gia đình rất thất thường.

Bữa cơm cuối năm như thế này trở thành khoảng thời gian cả nhà có thể vui vẻ trò chuyện với nhau.


Bữa cơm cuối năm với không khí sôi nổi, đầm ấm của gia đình anh Phúc và chị Lý - Ảnh: Thanh Hải

Gần 20 năm chưa về quê

Với chị Lý, gần 20 năm vào Sài Gòn làm việc nhưng chị chưa một lần về quê Bắc Ninh thăm nhà. Mỗi năm tết đến, chị phải lo cái ăn, cái mặc, tiền nhà cửa…, cho cả gia đình. Vì thế, chuyện mua vé xe để về quê là điều không dám nghĩ.

“Tôi không biết quê tôi bây giờ ra sao rồi. Nếu có về chắc tôi không thể nhận ra ai với ai nữa. Bản thân tôi cũng không còn nhớ được rõ khuôn mặt người thân hay con đường, ngôi nhà ở quê”, chị Lý ngậm ngùi chia sẻ.

Gia đình chỉ có chiếc xe máy chạy thuê kiếm tiền, anh Phúc chỉ có thể đưa một trong hai con về quê nội ở Bình Phước thăm ông bà.

Thế nhưng, dịp tết lại là dịp anh kiếm thêm ít tiền từ việc chở thuê đi giao bánh tét, trái cây… Có năm anh tranh thủ đưa con về nội rồi quay lại trong ngày, có năm phải chờ hết tết anh mới có thể đưa con về quê.

“Cả năm chỉ có dịp này là tôi có thêm thu nhập, vợ tôi cũng tranh thủ làm thêm nghề phục vụ vì nhiều đám tiệc tùng. Có số tiền đó, hết tết gia đình lại đỡ lo”, anh Phúc tâm sự.

Khó khăn là vậy, nhưng để con cái cũng được đón xuân với bạn bè, hai anh chị đều cố gắng sắm cho con bộ đồ mới, lo cho cả nhà bữa ăn đoàn viên, lau rửa cành mai bằng vải mua từ nhiều năm trước chưng trong nhà.

Giống như gia đình anh chị, mỗi năm trong khu lưu trú này, cũng có hơn 10 gia đình ở lại đón tết. Hầu hết trong số họ là những người công nhân làm ăn xa, đã đón rất nhiều cái tết ở TP.HCM vì không có điều kiện về quê.

Trong đó, gia đình anh Bùi Văn Thảo, Quản lý Khu lưu trú công nhân ở đây, cũng là một trong số những người không thể về quê ngày tết.

Anh Thảo kể: “Cách đây vài năm, tôi có quay về quê sau gần 30 năm xa nhà, tôi đã không thể nào nhận ra ai. Mọi thứ thay đổi chóng mặt, từ con đường, nhà cửa, đến người thân…, thấy chạnh lòng vì mình xa quê lâu quá!”.

Làm nghề xây dựng, dịp tết cũng là lúc anh bận rộn đi sửa sang, sơn phết nhà cửa cho các gia đình, hàng quán nên chuyện về quê ăn tết lại càng không thể.

Đã quen với cảnh ăn tết xa quê nên những gia đình công nhân ở đây xem nhau như người thân, anh em trong một gia đình lớn để cảm thấy cái tết ấm áp, hạnh phúc hơn.

Cuối năm là dịp “gia đình lớn” sum vầy

Từ ngày 28 tháng chạp, các gia đình thay nhau cúng lễ gia tiên, họ mời nhau cùng ăn bữa cơm rồi cùng trò chuyện với nhau. Ở khu lưu trú này, có khoảng hơn 10 gia đình ở lại ăn tết nên không khí vẫn tưng bừng, sôi động.

Trước đó, ngày 2.2, các gia đình công nhân được Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức ăn tất niên cùng nhau ngay tại khu lưu trú để có dịp đoàn tụ ôn lại những kỷ niệm năm cũ và kể về dự định năm mới.

Mọi người ở đây đã sống nhiều năm cùng nhau, nhiều năm không thể về quê đón tết nên xem nhau như người trong gia đình. Có chuyện gì chúng tôi cũng hỗ trợ lẫn nhau vì hiểu ai cũng là người làm ăn xa xứ.

(Anh Bùi Văn Thảo, Quản lý Khu lưu trú công nhân số 63, quận Tân Phú, TP.HCM)

Hoàng Quyên

>> Bánh chưng nghĩa tình cho công nhân
>> Công nhân đắn đo sắm tết
>> Tổ chức tết cho công nhân
>> “Cây mùa xuân” về với người nghèo
>> Nhộn nhịp chợ Tết công nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.