Tết Mông xuống phố

23/01/2016 10:10 GMT+7

Những bạn trẻ người dân tộc Mông đang là sinh viên các trường ĐH tại Hà Nội vừa mang đến Thủ đô một cái Tết thú vị của người Mông.

Những bạn trẻ người dân tộc Mông đang là sinh viên các trường ĐH tại Hà Nội vừa mang đến Thủ đô một cái Tết thú vị của người Mông.

Các cô gái Mông ném pao ở chợ Tết - Ảnh: Thúy HằngCác cô gái Mông ném pao ở chợ Tết - Ảnh: Thúy Hằng
“Mua mèn mén đi chị ơi”, Giang Thị Linh, 19 tuổi, sinh viên ĐH Quốc Gia Hà Nội trong trang phục của người Mông niềm nở khi chúng tôi ghé lại gian hàng ẩm thực Tết. Trên một chiếc bàn, có bày mật ong rừng, mèn mén và cả bánh dày. Bánh dày bán rất nhanh, còn mèn mén được các cô bé giữ ấm trong một chiếc nồi cơm điện mi ni. “Bố mẹ đã làm giúp chúng em số mèn mén này từ trên Hà Giang và gửi xe khách xuống Hà Nội”, Linh cho biết.


Tết Mông xuống phố được tổ chức bởi nhóm Action for Hmong Development, phối hợp với Ban liên lạc sinh viên Mông Hà Nội, cùng sự bảo trợ của tổ chức Plan International Vietnam và Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường ISEE.


Trong khuôn viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, những bộ trang phục truyền thống của người Mông được dịp khoe dáng rực rỡ. Xen giữa tiếng Kinh là tiếng Mông líu ríu. “Mỗi người cầm một chiếc vợt bằng gỗ, đánh qua đánh lại quả cầu làm bằng lông gà gắn vào mẩu tre, giống như đánh cầu lông vậy”, Giàng Thị Hoa, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vừa hào hứng “đánh yến” với bạn trai, vừa giới thiệu cho chúng tôi về trò chơi thân quen ngày Tết này của các bạn.
Giữa Hà Nội, Tết Mông hiện ra với chợ Tết, sân ném pao, sân đánh yến, triển lãm ảnh của những em bé người Mông chụp về quê hương mình, ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang…và cả cuộc thi sắc đẹp “Miss Mông” đầy bất ngờ, thú vị. Ban tổ chức cho biết, đã có hàng ngàn lượt bạn trẻ đến với Tết Mông, không chỉ là người dân tộc Mông, chương trình còn thu hút sinh viên các dân tộc anh em đang học tại các trường ĐH, CĐ, người dân Hà Nội và cả du khách nước ngoài.
“Chúng tôi chưa từng có một ngày Tết ở Hà Nội, cho đến hôm nay. Các năm trước, chỉ có những buổi tiệc cuối năm, mọi người cùng góp tiền và nấu ăn với nhau”, Giàng Thị Linh, sinh viên Trường ĐH Luật, quê ở xã Tùng Vài, H.Quản Bạ, Hà Giang bộc bạch.
“Trước đây, người Mông sinh sống ở các vùng khác nhau, thường ăn Tết Nguyên đán khác nhau, tùy vào thời vụ nông nghiệp, bây giờ thì khắp nơi đều ăn Tết âm lịch như người Kinh vậy. Chúng tôi muốn ngày hội này là cơ hội để các bạn sinh viên Mông giúp mọi người hiểu hơn về phong tục tập quán quê hương mình. Có thể từ đó, mọi người sẽ về quê hương chúng tôi du lịch nhiều hơn”, Khang A Tủa, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, quê ở H.Mù Cang Chải, Yên Bái, thành viên trong ban tổ chức chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.