Bài thơ vui trên có phần xác thực khi nhìn trên diện rộng xã hội và phần nào đó đã phản ánh đúng tâm trạng của nghề giáo mỗi khi tết đến xuân về. Khi mà nhà nước đã nỗ lực rất nhiều trong việc cải cách lương, thưởng cho giáo viên. Nhiều tổ chức, hoạt động quan tâm hỗ trợ vật chất lẫn tin thần cho thầy cô, song còn nhiều địa phương trên cả nước, giáo viên còn chịu nhiều thiệt thòi. Chẳng hạn tình cảnh của giáo viên Trường THCS Trung Bình, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng được Thanh Niên phản ánh trong bài “Ở nơi thầy, cô không biết thưởng tết là gì!” (số ngày 31.1.2019) là một dẫn chứng.
Xóm tôi ở, phần lớn là những gia đình làm nhiều nghề có thu nhập khá. Mỗi lần tết đến, họ mua sắm nhiều đồ dùng mới, tiệc tất niên rầm rộ, hoa cũng nhiều và đắt tiền. Còn giáo viên như tôi, với một khoản nho nhỏ tiền thưởng tết, đâu thể “vung tay quá trán”, nên chỉ mấy chậu hoa cúc tầm tầm, một vài hộp mứt, đòn bánh tét, con gà trống cúng trời đất hết năm… thế là xong!
Thế nhưng, nếu biết vui cái vui dân gian “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, biết tạm quên phần vật chất thì tết với nghề giáo có những cái vui mà không phải nghề nào cũng có được. Đó là sự đồng hành với niềm háo hức của học trò trong không khí những ngày giáp tết. Cùng các em tham gia các như lễ hội mùa xuân tại trường. Ấm áp và đầy thân thương từ những lời chúc tết, từ những tấm thiệp xuân giản dị đáng yêu. Vui lây với niềm vui của các em, khi chính thầy cô vận động, quyên góp giúp đỡ, trao quà xuân cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Đó là những niềm vui xuân thật sự ấm áp tình thầy trò!
tin liên quan
Tổ chức ngày hội tết như một 'tiết học lớn' đầy ý nghĩa“Tết” nhất, vui nhất có lẽ là những hoạt động của nhà trường, từ công đoàn, từ chính giáo viên tạo nên: Một chút quà xuân và tấm lịch tết của trường; Cảnh rộn rịp cùng gói bánh chưng, cùng những câu chuyện rôm rả ngồi chờ bánh chín; Các “tiệc” tất niên đơn giản thắm đượm tình đồng nghiệp; Cùng chia ngày trong tết để đến giao lưu, chúc tết cùng nhau với bao vui vẻ, ăm ắp tiếng cười.
Một đồng nghiệp nói vui với tôi rằng: “Tết này khỏi cần đi chợ. Chỉ cần “đặt hàng” ở đồng nghiệp là có… tết!”. Nói vui mà thật. Cứ đến tết là thầy cô có dịp “trao đổi hàng hóa” qua mạng với nhau. Chỉ cần lướt một vòng trên Facebook đồng nghiệp là có thể mua bất cứ hàng hóa gì, bất cứ đặc sản tết của vùng quê nào. Đa số giáo viên chẳng nghĩ đến lợi nhuận mà vì vui là chính. Đó là cái vui tết thời …công nghệ 4.0 của nhà giáo hiện nay!
Bình luận (0)