Tết Nguyên đán là thời gian nhiều người bị áp lực vì đủ khoản phải chi tiêu, trong đó, lì xì là phần khiến nhiều người "đau đầu" vì đủ nguyên nhân.
Năm vừa qua, nhiều người thu nhập giảm do giảm lương, giảm giờ làm, thậm chí là thất nghiệp. Vậy để đón tết tiết kiệm, lì xì bao nhiêu là đủ?
Lì xì là gì?
Thượng tọa Thích Trí Chơn, trụ trì tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM) cho biết, lì xì xuất phát từ tiếng Trung Hoa 利事 (lợi sự) - tức là chúc cho một năm mới với những điều lợi ích, may mắn.
Tại Việt Nam, dân gian hay tặng cho nhau một bao thơ màu hồng hoặc màu đỏ, màu biểu tượng cho thành công, thắng lợi, hạnh phúc, an lành. Trong bao lì xì, đồng tiền lớn hay nhỏ không quan trọng.
Theo thượng tọa Trí Chơn, lì xì là phong tục để gián tiếp nhắc nhở chúng ta hãy làm những thiện sự, từ những nhân thiện để chúng ta có hoa trái thiện lành.
"Bài học về lì xì rất hay, nhắc nhở chúng ta hãy làm những việc lợi sự, lợi ở đây là lợi mình, lợi người, lợi xã hội, lợi môi trường xung quanh, làm những việc lợi rồi những cái lợi sẽ đến với mình", thượng tọa chia sẻ.
Áp lực vì lì xì
Lấy chồng ở TP.HCM và sống tại nhà chồng, mỗi năm tết đến vợ chồng chị Bùi Hạnh My (ngụ Q.12, TP.HCM) đều cho con về quê ngoại ở Đắk Lắk ăn tết. Như nhiều gia đình khác, về quê dịp tết là đủ khoản chi tiêu mà chị My luôn phải cân nhắc để phù hợp tình hình tài chính như: tiền biếu ông bà, quà cáp cho họ hàng, lì xì các cháu...
Thông thường, nhà chị My sẽ lì xì tùy theo hoàn cảnh gia đình của cháu bé. Gia đình có điều kiện thì chị lì xì vài chục, tương tự, nhà khá giả hơn chị lì xì các bé vài trăm, nhà đặc biệt khó khăn thì chị lì xì tiền triệu.
"Năm nay khó khăn hơn, khoản này chắc tôi phải cân nhắc nhiều. Tôi dự tính lì xì 50.000 đồng hết cho đồng nhất. Lì xì ít thì ngại, mà nhiều thì không có, khá đau đầu. Chưa kể các bé bây giờ khó nói, ngay khi mình vừa lì xì có bé đã ột phong bì kiểm tra ngay, rồi so sánh các kiểu", chị nói.
Chị Nguyễn Ngọc Ngân (33 tuổi, quê Phú Yên) thì cho hay, chị làm tự do tại nhà nhưng năm nay việc rất ít, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mình người chồng đi làm. Gia đình chị luôn nghĩ lì xì là lấy may mắn chứ không nên nặng nề quá. Dù vậy, mọi năm chị đều lì xì các cháu ở quê 100.000 đồng/bé, năm nay chị chưa biết phải xoay thế nào để các cháu nhận không hụt hẫng, mà bản thân mình cũng không áp lực.
"Lì xì nhiều quá có khi cha mẹ của bé được lì xì cũng áp lực. Không biết đến khi nào ngày xuân mới đến thật nhẹ nhàng, vui vẻ. Người cho, người nhận đều hạnh phúc. Chứ đo đếm phong bao nặng - nhẹ làm ngày tết trở nên thật nặng nề", chị thở dài.
Con cháu đông, người thành phố về quê "đau đầu"
Mọi năm, anh Nguyễn Dân An (35 tuổi, quê An Giang) có 2 mệnh giá lì xì cho các cháu ở quê là 50.000 đồng và 100.000 đồng. Trong đó, 100.000 đồng là bao lì xì cho con của những chị em thân trong gia đình, còn 50.000 đồng là bao lì xì cho cháu họ hàng xa. Riêng với gia đình họ hàng vất vả ở nhà chăn nuôi hoặc làm công nhân, anh lì xì 200.000 đồng/bé.
Việc lì xì cho các cháu nhiều hay ít cũng không ít lần khiến anh An khó xử vì vừa lì xì xong các cháu đã mở ra xem mệnh giá và hô lên số tiền. Anh chia sẻ: "Có những người mặc định rằng đi làm ở thành phố về là có điều kiện, lì xì phải nhiều. Ngược lại, con của mình ở thành phố về quê có khi không được lì xì vì họ cho rằng con nít thành phố giàu sẵn rồi không cần lì xì".
Năm nay, để tránh khó xử, anh An dự định sẽ bỏ đồng giá 50.000 đồng vào tất cả các bao lì xì hoặc bỏ nhiều mệnh giá khác nhau vào các bao lì xì và cho các cháu bốc lì xì.
Trong khi đó, chị Hoài Thương (32 tuổi, ngụ TP.HCM) lấy chồng quê Nam Định cũng bị áp lực mang tên "người thành phố" vô hình đè lên người mỗi dịp về quê ăn tết. Chị kể, năm đầu tiên về quê chồng, chị rơi vào cảnh "khó xử" khi để bao lì xì mệnh giá 20.000 đồng.
Sau khi lì xì các cháu, chị vô tình nghe thấy các cháu chụm lại chê người ở thành phố về mà lì xì ít và mở các bao lì xì khác toàn 50.000 đồng, thậm chí cháu nhỏ còn được 100.000 đồng. "Tôi khá bất ngờ vì ở thành phố nhưng tôi còn đi ở trọ, tằn tiện từng đồng. Con cháu bên nhà nội, ngoại chồng tôi rất đông vì các anh chị họ đều đã lấy chồng, sinh con. Đợt đó tôi đã thay ruột các bao lì xì còn lại cho phù hợp bối cảnh, nhưng con cháu mỗi lúc một đông, cuộc sống thành phố mỗi lúc một áp lực nên tết nào đến cũng đau đầu", chị ngao ngán.
Bình luận (0)