Tết trong ký ức văn thi sĩ: Nguyên Hồng đón giao thừa bên con chữ

30/01/2022 15:46 GMT+7

Nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982), tác giả của những Bỉ vỏ, Bảy Hựu, Những ngày thơ ấu… có một gia tài đồ sộ những trước tác viết về những phận đời nghèo khổ. Bản thân nhà văn đất thành Nam cũng vươn lên không ngừng trong nghèo khó và thiệt thòi từ thuở ấu thơ.

Giao thừa vẫn say sưa bên con chữ

Riêng về khoản ăn Tết, Nguyên Hồng khi nói về cái Tết truyền thống của dân tộc, còn ghi lại trong nhật ký của mình những cái Tết đầu những năm 1960 mà sau này, hai người con gái của ông là Nguyễn Thị Thanh Thư và Nguyễn Thị Nhã Nam tập hợp lại trong Nhật ký Nguyên Hồng. Theo Nhật ký Nguyên Hồng, dịp giao thừa năm 1961, ông viết xong Chương VI tập Sóng gầm (thuộc bộ tiểu thuyết Cửa biển).

Tác phẩm gồm những truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyên Hồng, trong đó có truyện Con hùm con bồ côi

NXB Kim ĐỒNG

Năm Nhâm Dần 1962, ngày 30 Tết (4.2 dương lịch), dẫu là ngày Tết, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, nhưng nhà văn than thở là “bận quá”. Hôm ấy giết lợn đón Tết, nhưng người làm là ông Cả Nghi và Thơm. Bánh chưng thì chiều hôm đó gói xong, bếp nấu bánh được đặt giữa nhà, luộc bánh cho đến 4 giờ sáng. Nguyên Hồng dọn dẹp xong thì say giấc, còn con trai lớn là Hà ngồi canh nồi bánh chưng.

Ghi chép về ngày 30 Tết năm ấy, dẫu năm mới đang tới, nhưng nhà văn vẫn canh cánh nỗi lo của một người là trụ cột gia đình, nên những dòng dưới đây, chất chứa đầy tâm sự: “Bằng rầy năm ngoái tôi viết xong chương VI vào giữa giao thừa đây. Năm nay tôi in xong “Sóng gầm”. Nhưng lại thêm bao nhiêu nỗi lo mới. Nhất là lo vì sự sống. Các con càng đông, ăn tiêu trong nhà tốn quá. Sang năm, tôi phải thật sắp xếp việc nhà và dè sẻn hơn nữa”.

Bước sang ngày đầu tiên của năm mới Nhâm Dần, nhà văn đi thăm, chúc Tết hàng xóm, những nhà bà Gần, cô Cảnh… Hôm ấy cũng có sự đáng để nói khi “Bà cả Nghi đền nhà tôi ba cái bánh tầy vì cái Chuyên bóc nhầm bánh vuông của nhà tôi”. Ngày hôm sau, nhà văn đi ra Nhã Nam, đến tối thì đánh cờ với Sơn, con trai mình.

Vẫn trong Nhật ký Nguyên Hồng, những ngày Tết Nhâm Dần được ghi với những thông tin ngắn gọn tiếp theo: “Mồng ba thết cơm chiều các đồng chí trong chi ủy. Mồng bốn ăn cơm nhà đồng chí Duệ về thì gặp ô tô Như Phong, Xuân Trường lên. Mồng năm đi ăn giỗ cụ Đề Thám. Cho cả Sơn, Thư đi. Mồng sáu nói chuyện ở trường Nhã Nam”. Cái Tết năm Nhâm Dần 1962 đã trôi qua như thế.

Đón Tết vợ đẻ, con thơ

Dẫu cuộc sống thực sự khó khăn, lại gặp cảnh vợ sắp đẻ, nhưng rồi cái Tết Quý Mão 1963 khi nhà văn ở tuổi 45, cũng chu tất lắm. Trước khi Tết đến, nhà văn của Quán Nải đau đầu với tiền nong vì bao thứ phải lo cận kề. Tiền lương 70 đồng thì 50 đồng đã gửi về nhà cho vợ chuẩn bị đẻ. Nhờ Hoàng Trung Thông vay tiền, nhưng tiền vẫn chưa vay được. Để có tiền Tết, ông phải vay 20 đồng từ người bạn, nhà văn Nguyễn Hoàng để phòng xa.

Nhà văn Nguyên Hồng

t.l

Trước ngày Tết Ông Táo (nhằm 17.1 dương lịch), vợ Nguyên Hồng đẻ Diệu, người con thứ bảy, cũng là con gái út. Vợ đẻ, con nhỏ bao thứ phải chi tiêu, nhưng rồi Tết thì vẫn cứ đến như lẽ thường lâu nay. Trong Nhật ký Nguyên Hồng còn ghi lại chi tiết những ngày Tết năm ấy của gia đình ông khi ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Vợ đẻ ngày 22 tháng Chạp, đến ngày 25 thì về nhà đón Tết.

Ngày 28 tháng Chạp (23.1) trong khi những đồng chí, người thân làm thịt lợn, luộc bánh chưng, thì nhà văn của chúng ta lại đang mải mê bên bàn viết với truyện Con hùm con bồ côi. Đây là truyện viết cho thiếu nhi. Nhưng Tết đã đến nhà rồi, thì làm sao tập trung cho được. Chiều hôm ấy, Nguyên Hồng xin được cành mận trắng, trong khi ấy con trai ông là Giang xin được cành đào. Sắc xuân đã hiển hiện lắm rồi khi tháng Chạp chỉ có 29 ngày.

Ngày mùng một Tết năm Quý Mão (25.1), nhà Nguyên Hồng mỗi người đón Tết theo một cách. Trong khi ba anh con trai là Hà, Giang, Sơn nhân ngày Tết Nguyên đán được bố cho đi chơi thả cửa, thì đi chọi gà. Ngay như Hà hôm ấy, vui Tết, say men rượu, nên ngủ lại nhà người quen. Còn nhà văn, sang bên nhà ông Văn ăn cơm Tết. Ăn xong, hai người cùng nhau đi chúc Tết xóm giềng.

Sang ngày mùng năm Tết, Nguyên Hồng ghi lại: “Tôi vào bà Cả Trọng. Gặp một lũ chánh… Tuân, Giang không lên được. Giời nắng, ngột ngạt như tháng 5. Bụi đỏ, đồi trụi, hồ ao chuôm bị cạn hết”. Ngày hôm sau dẫu đã là mùng sáu Tết, nhưng không khí Tết vẫn còn đượm, “Vợ chồng Túc lên chơi. Tôi ra Rừng Quanh mua xoan. Đỗ Nhuận chụp ảnh cho cả xóm”.

Vẫn ngày hôm ấy, Nguyên Hồng tiếp tục công việc còn dang dở, viết truyện Con hùm con bồ côi ở trong buồng, trong khi mọi người đến nghe đài do nhạc sĩ Đỗ Nhuận mở. Rồi vui xuân, đón Tết vẫn không quên việc chung, Nguyên Hồng và Đỗ Nhuận trao đổi công việc văn nghệ, “nhấn mạnh về công việc sáng tạo của văn nghệ sĩ là chính”.

Về Nguyên Hồng, đúng như đồng nghiệp Kim Lân của nhà văn chia sẻ: “Suốt đời Nguyên Hồng chỉ viết, suốt đời Nguyên Hồng vật lộn với trang giấy. Anh dám sống, dám gạt bỏ, dám nhận những thiệt thòi, dành cho tác phẩm”. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.