Con hổ trong một số tác phẩm văn học

30/01/2022 15:11 GMT+7

Hổ là loài thú dữ ăn thịt và chẳng bao giờ sống chung được với người. Nhưng trong đời sống tinh thần của con người, nó lại rất gần gũi.

Người ta thường sống trong lời ăn tiếng nói của dân gian, mượn chuyện con hổ để răn mình và nhắc nhở người. Ngoài ra người ta còn vẽ tranh, tạc tượng về con hổ rất nhiều và khiến cho nó trở thành những nhân vật trung tâm của một số tác phẩm văn học nghệ thuật. Đặc biệt, trong văn học, chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh con hổ rất nhiều.

Con hổ với bản tính hung bạo

Nhắc đến con hổ là nhắc đến loài ác thú. Bởi thế, trong văn học dân gian xưa, người ta vẫn thường sao chép y nguyên hình tượng ấy vào văn học. Mà sau này, câu thông dụng nhất để chỉ con người hung hăng cũng là “dữ như cọp”.

Hay người xưa vẫn thường nhắc đến sự oai phong của con hổ nơi rừng xanh: “Đồng Nai xứ sở lạ lùng/ Dưới sông cá sấu, trên rừng cọp um”. Hoặc chỉ sự hung dữ của con hổ, ông bà còn răn con cháu: “Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu/ Đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn”. Câu này vừa thực mà vừa ẩn dụ. Con người cũng như con hổ vậy. Bản ác chưa trỗi dậy thì thôi, nếu đã bị đánh thức thì “nhai đến tận xương”. Chính sự hung bạo ấy, nên: “Mèo tha miếng thịt thì gào/ Hùm tha con lợn thì nào thấy ai”. Và cũng vì sự hung bạo, oai phong ấy mà người ta còn ví von: “Cáo mượn oai hùm” hay “Miệng hùm gan sứa”,...

Hình ảnh con hổ đã được sao chép và khi vào văn học dân gian, nó vẫn giữ nguyên bản. Bởi trong đời sống thường nhật, ngoài sự sợ hãi ra thì hổ chưa bao giờ giúp được gì cho nhân dân. Bởi thế trong văn học dân gian, con cọp với bản tính hung bạo thường được dùng ám chỉ những kẻ bản tính hung dữ hoặc tượng trưng cho tên hung thần trong mỗi con người. Cũng như để răn dạy con người.

Con hổ với triết lý “Cứu vật, vật báo ân”

Câu chuyện ở làng Đông Triều được tác giả Vũ Trinh hư cấu. Một con hổ đực đến nhờ bà Trần đến đỡ đẻ cho hổ cái. Sau khi hổ cái sinh được ba hổ con, hổ đực đào một cục bạc để trả ơn. Và lưu luyến khi bà trở về. Nhờ cục bạc đó mà bà Trần đã sống sót qua mùa đói kém. Một lần khác, bác tiều phu vào rừng đốn củi. Khi ấy, vô tình ông ta bắt gặp một con hổ đang nằm đấy đau đớn, quằn quại và vẻ bất lực. Biết rằng con hổ bị hóc xương, nên bác cố lấy hết can đảm dùng tay lấy khúc xương ấy ra. Chính ân nghĩa đó, nên hổ thường mang nai đến biếu cho bác. Và khi bác mất, hằng năm, người ta vẫn thấy hổ mang bò, dê... đến tế bác.

Khi đã đi vào văn học viết, hình tượng con hổ không còn đơn thuần là dã thú. Nó đã bắt đầu mang một ý thức, nhằm truyền tải về đạo lý nhân nghĩa giữa con người với nhau, cũng như khuyên bảo con người hãy chan hòa với loài vật.

Linh vật hổ năm 2022 ở Bình Định

lê hồ bắc

Con hổ tham chiến

Trong tiểu thuyết Tây du ký (Ngô Thừa Ân), ở chương bốn lăm và bốn sáu, khi thầy trò Huyền Trang đến Xa Trì quốc thì gặp ba tên quốc sư do ba yêu quái giả dạng. Ngoài Dương Lực đại tiên và Lộc Lực đại tiên, còn có một tên với danh xưng là Hổ Lực đại tiên. Tên này, sau khi bị Tôn Hành Giả và hai sư đệ bày mưu chơi khăm thì tức lắm.

Khi Đường Tam Tạng mang “Thông quan văn điệp” đến, tên này năm lần bảy lượt bày mưu hãm hại bốn thầy trò. Một lần hắn đăng đàn làm phép cầu mưa, nhưng bị Ngộ Không phá tan phép thần. Một lần khác, hắn đọ tài chém đầu rồi làm hoàn lại như cũ. Khi đầu Hổ Lực vừa rơi xuống, Bật Mã Ôn liền hóa ra con chó phèn và tha đầu hắn bỏ xuống sông. Hổ tinh hiện nguyên hình khiến ai nấy khiếp sợ.

Mượn hổ tả người

Đó là khi con hổ bước vào trang viết của Nguyễn Du. Hổ không chỉ hung dữ mà còn rất oai phong bởi nó là chúa sơn lâm. Nên rất nhiều những câu thơ, đại thi hào đã mượn hình ảnh ấy để miêu tả Từ Hải đã quen thuộc với người Việt: “Râu hùm, hàm én, mày ngài/ Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” thể hiện sự oai phong, đường bệ của Từ Hải.

Rồi để tả sự uy nghi của anh hùng họ Từ khi làm chủ tọa phiên tòa báo ân, báo oán: “Trướng hùm mở giữa trung quân/ Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi”. Và lần cuối cùng nhắc đến con hùm trong truyện là lúc Từ Hải hết vai: “Đang khi bất ý chẳng ngờ/ Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn/ Tử sanh liều giữa trận tiền/ Dạn dày cho biết gan hiền tướng quân”.

Nhưng hổ dữ không chống nổi sói bầy. Từ Hải lâm trận và tử trận đầy oan ức bởi anh hùng lỡ vận. Song hình ảnh Từ Hải vẫn oai phong lẫm liệt, xứng danh là hổ tướng.

Truyện Kiều, hổ được mượn để diễn tả tướng mạo và phong thái của Từ Hải. Còn La Quán Trung, trong Tam quốc diễn nghĩa đã dùng “Ngũ hổ tướng” để chỉ những mãnh tướng như Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung, Mã Siêu và Triệu Vân. Đây là một chức danh hư cấu, La Quán Trung theo dân gian mà đặt ra. Nhưng cũng đủ thể hiện được sức mạnh, sự dũng mãnh của những vị chiến tướng này.

Con hổ hộ vệ

Nếu chẳng có tay hổ cứu mạng, e Vân Tiên đã bị Trịnh Hâm hãm hại. Con hổ đã cởi trói cho tiểu đồng, cứu Lục Vân Tiên khỏi hang Thương Tòng. Nguyên bản con hổ vẫn là ác thú, nên Trịnh Hâm mới bày mưu tính kế trói tiểu đồng vào gốc cây hòng: “Trước cho hùm cọp ăn mày/ Hại Tiên phải dụng mưu này mới xong/ Vân Tiên ngồi mãi đợi trông/ Trịnh Hâm về nói tiểu đồng cọp ăn” .

Với một diện mạo khác, con hổ là vị cứu tinh và được thần thánh hóa: “Sơn thần ghé lại một bên/ Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng” (khi cứu tiểu đồng) và “Du thần xem thấy ai hoài/ Xét trong mình gã có bài phù tiên/ Mới hay là Lục Vân Tiên/ Cùng nhau dìu dắt đều liền đem ra” (khi cứu Tiên khỏi hang Thương Tòng).

Trong Lục Vân Tiên, con hổ không còn là mãnh thú mà là đại diện cho cái thiện, thể hiện được tinh thần của tác phẩm. Bởi không chỉ Vân Tiên mà con hổ cũng trừng trị cái ác khi tha mẹ con Thể Loan bỏ vào hang Thương Tòng. Hổ không ăn thịt, làm vậy cốt là để mẹ con y chịu báo ứng.

Con hổ vô địch

Trong tứ đại kỳ thư, Thủy hử (Thi Nại Am) đã nhắc đến một con hổ bất khả chiến bại. Mà chính con hổ ấy đã dựng nên một nhân vật nổi tiếng - Võ Tòng. Câu chuyện “Võ Tòng đả hổ” quá quen thuộc. Dù chưa ai biết nội dung, nhưng vẫn thần tượng vị hào kiệt này bởi sức mạnh phi thường. Nhưng ít ai biết rằng trước khi con hổ này vào cuộc chiến với Võ Tòng, móng vuốt của nó đã hạ gục ba mươi dũng sĩ.

Khi ấy Võ Tòng đã chén chú chén anh gần hết chum “Thấu bình hương tửu” - thứ rượu mà “Ba chén không qua được núi”. Và được chủ quán rượu khuyên ngủ lại rồi sáng hẵng lên đường. Nghĩ rằng chủ quán lừa mình, nên Võ Nhị Lang đã phớt lờ lời nói của chủ quán. Đơn thương độc mã lên núi Cảnh Dương và vị hảo hán đã có một cuộc chiến nảy lửa với con hổ mà ai nghe cũng khiếp vía. Võ Tòng tay không bắt hổ. Sau một hồi co vật, Võ Tòng đã chiếm thế thượng phong. Tay hảo hán đã giữ chặt bờm, đè con hổ xuống rồi đấm cho vài mươi cái, sau lại dùng gậy phang thêm mấy chục đòn. Thế là con hổ máu me bê bết, lăn ra chết tươi. Và ai nấy phục Võ Tòng sát đất, tung hô là đại hảo hán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.