Tết trung thu của người Việt là ngày nào, vì sao trẻ em đi phá cỗ?

17/09/2024 09:21 GMT+7

Nhiều người cho rằng trung thu là tết thiếu nhi và cũng là dịp đoàn viên trong gia đình. Các chuyên gia văn hóa giải thích ra sao về điều này?

Tết trung thu hay còn gọi với tên khác là tết thiếu nhi, là một trong những ngày lễ lớn trong năm của nước ta. Vào ngày này, trẻ em được tham gia những hoạt động như rước đèn, phá cỗ, xem múa lân…

Tết trung thu (15.8 âm lịch) năm nay rơi vào thứ ba ngày 17.9.

Vì sao gọi trung thu là tết thiếu nhi?

Chia sẻ với Thanh Niên, nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng cho biết, tết trung thu ở Việt Nam có nguồn gốc từ tết trung thu của Trung Quốc. Tuy nhiên, ý nghĩa và cách thực hiện hoàn toàn khác nhau và ở Việt Nam đã có sự biến đổi để phù hợp phong cách, lối sống của người Việt.

Tết trung thu ở Trung Quốc có từ thời nhà Đường, gắn liền với mối tình của Vua Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi - một trong tứ đại mỹ nhân thời bấy giờ. Cũng vì vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà Dương Quý Phi bị triều thân cho rằng nàng mê hoặc nhà Vua bỏ bê triều chính. Vua Đường Minh Hoàng buộc phải ban phát cho sủng phi của mình dải lụa trắng để củng cố triều đình trong niềm tiếc thương vô hạn. Vào đêm trăng sáng nhất của mùa thu, Vua Đường Minh Hoàng đã đi gặp lại vị sủng phi của mình. Vì vậy, tết trung thu còn được gọi là tết trông trăng để ghi nhớ mối tình của hai người này.

Tết trung thu của người Việt là ngày nào, vì sao trẻ em đi phá cỗ?- Ảnh 1.

Nhiều người mua lồng đèn vào dịp trung thu

ẢNH: CAO AN BIÊN

Còn ở Việt Nam, tết trung thu là tết dành cho thiếu nhi, người Việt dành trọn vẹn tình thương, sự quan tâm, chăm sóc cho các em vào ngày này. Đây cũng là ngày tết quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

"Ngày 1.6 là ngày Quốc tế thiếu nhi, tết dương lịch còn tết trung thu cũng dành cho thiếu nhi nhưng được tính là tết âm lịch, tết cổ truyền với những trò chơi dân gian, món ăn truyền thống. Đây cũng là dịp để cộng đồng quan tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm với thế hệ mai sau", vị TS cho biết.

Tết trung thu của người Việt là ngày nào, vì sao trẻ em đi phá cỗ?- Ảnh 2.

Ở TP.HCM cũng có làng làm lồng đèn truyền thống

ẢNH: DƯƠNG LAN

Ngày tết trung thu, người Việt sẽ chuẩn bị mâm ngũ quả đặt lên bàn thờ tổ tiên thể hiện tấm lòng thành kính và cho trẻ em phá cỗ. Người lớn làm bánh trung thu, đèn ông sao để trẻ em rước đèn, vui chơi vào đêm 15.8 âm lịch.

"Ngày xưa cuộc sống chưa có nhiều điều kiện nên mâm cỗ đơn sơ, mang đậm giá trị tinh thần. Ngày nay, mâm cỗ vừa thể hiện nhiều giá trị vật chất và tinh thần để đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của người dân theo thời đại", bà Hồng chia sẻ.

Mong trẻ em đón tết trọn vẹn

GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng văn hóa Du lịch cũng cho biết, tết trung thu được tính theo lịch Mặt Trăng còn được gọi là tết trông trăng. Có nhiều lý giải về mặt văn hóa của tết trung thu nhưng đa số sách vở ghi chép lại rằng dịp này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cùng giải thích với TS Hồng, ông Hiền cho hay tết trung thu ở Trung Quốc và ở Việt Nam có nhiều điểm khác biệt.

Tết trung thu của người Việt là ngày nào, vì sao trẻ em đi phá cỗ?- Ảnh 3.

Nhiều gia đình bày biện mâm cỗ trung thu cho các con

ẢNH: LOAN TRẦN

"Ở Trung Quốc, tết trung thu là dịp dành cho người lớn tương tự như tết nguyên đán. Các mối quan hệ thân thiết, xã hội của mọi người cùng chia sẻ, giao lưu với nhau trong dịp này. Còn với người Việt, tết trung thu là tết thiếu nhi, mong các em có một ngày vui chơi ý nghĩa. Đó cũng là lý do thiếu nhi được phá cỗ, rước đèn, xem múa lân… thỏa thích vui chơi cùng ông bà, cha mẹ, bạn bè cùng trang lứa", ông Hiền chia sẻ.

Tết trung thu của người Việt là ngày nào, vì sao trẻ em đi phá cỗ?- Ảnh 4.

Mâm cỗ trung thu có đèn ông sao, trái thị, trái bưởi...

ẢNH: NGUYỄN THANH HUYỀN

Trẻ em là trung tâm của sự gắn kết gia đình, mọi người quây quần bên nhau để cùng các con, các cháu phá cỗ, tạo không khí đầm ấm, yêu thương. Mọi người dành tình cảm để con em mình có một ngày vui ý nghĩa. Mâm cỗ trung thu cũng có nhiều bánh trái và không thể thiếu bánh trung thu. Bánh này tượng trưng cho sự đoàn tụ gia đình hạnh phúc, việc tặng bánh trung thu trong tháng 8 âm lịch cũng là thói quen của nhiều người trong nhiều năm qua.

"Tết trung thu năm nay, nhiều địa phương trên cả nước phải chịu hậu quả nặng nề sau bão Yagi, mưa lũ gây ra nhiều mất mát, đau thương. Tôi hy vọng tất cả trẻ em đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc đều được đón tết thiếu nhi một cách trọn vẹn, ấm áp. Tôi cũng mong tất cả chúng ta đều chung tay để lan tỏa yêu thương, giúp đỡ bà con vùng lũ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống", ông Hiền bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.