Tết Việt xưa trong mắt người phương Tây: Tết Bắc Trung Nam

04/02/2024 07:13 GMT+7

Một vòng tết Bắc Trung Nam vào đầu thế kỷ 20 qua những ghi chép của 'người ngoài', có thể nhận thấy trong cái chung của phong tục tết Việt, còn có những đặc trưng vùng miền khá thú vị.

Tết Bắc với đạo gia tiên

Là một trung úy hậu cần của quân viễn chinh Pháp khoảng năm 1914 - 1917, Léon Busy đã ghi lại chừng 1.500 bức ảnh muôn màu về VN trong dự án thu thập kho hình ảnh các dân tộc trên thế giới của triệu phú Albert Kahn.

Tết Việt xưa trong mắt người phương Tây: Tết Bắc Trung Nam- Ảnh 1.

Hát tuồng tại Nha Trang trong ngày tết

GABRIELLE M.VASSAL

Phong tục tết qua nước ảnh màu kỹ thuật ghi hình ống kính tự nhiễm sắc hồi đầu thế kỷ 20 của Léon Busy mang đầy hoài niệm, gợi xao xuyến.

Khi chụp bàn thờ tết, Léon Busy chăm chút chi tiết và nhìn ngắm với đôi mắt trân trọng, đầy thấu hiểu, khá gần với các ghi chép của ông Bouchet trong bài viết Tết và thờ cúng tổ tiên đăng trên tờ Indochine số 177 (20.1.1944).

Như Léon Busy, với đầy thiện cảm dành cho tín ngưỡng thờ gia tiên, ông Bouchet đã thực tế, mô tả về việc sửa soạn, nghi thức cúng ông bà của một gia đình người Việt.

"Trong khi ở bên ngoài tiếng pháo nổ càng ngày càng đinh tai nhức óc thì trong nhà mình, ông Thinh (tên của gia trưởng - NVN) làm lễ trước bàn thờ, có mọi người trong nhà vây quanh. Bằng một giọng chậm rãi, hai bàn tay chắp vào nhau, ông Thinh khấn với vong hồn tổ tiên rằng vào đêm cuối năm này ông tới lạy trước các bài vị, nhắc lại những câu khấn của những năm trước sau khi ông làm chủ gia đình và thực hiện lòng hiếu thảo của đạo làm con.

Ông thực hiện các nghi lễ không một chút lúng túng và với một phong thái thanh thản trong khi anh con trai của ông là Minh đứng yên như tượng khi ông sụp xuống trước bàn thờ và dập đầu xuống nền đất nện ba lần; anh Minh biết rằng sẽ tới ngày anh thay cha làm công việc vinh dự này vì cha anh và người thầy giáo già của anh cho anh biết như vậy".

Với cách diễn đạt tinh tế của tác giả, có thể nhận thấy dòng chảy thiêng liêng của phong tục thờ gia tiên.

Chợ Lớn rộn ràng

Đến VN vào năm 1922 trong tư cách là một ký giả, các ghi chép từ Bắc chí Nam của Roland Dorgelès sống động và bám sát hiện thực, với một ngôn ngữ du ký hấp dẫn thể hiện qua thiên phóng sự nổi tiếng Sur la route mandarine (Trên đường cái quan).

Tết Việt xưa trong mắt người phương Tây: Tết Bắc Trung Nam- Ảnh 2.

Trang trí phòng khách trong ngày Tết Nguyên đán tại một gia đình khá giả ở Hà Nội năm 1915

LÉON BUSY

Tết VN gây ấn tượng cho Roland Dorgelès là cái sự ồn ào náo nhiệt của Chợ Lớn, với các trò bài bạc, hát hò, múa lân sư rồng, đốt pháo... khắp nơi. Ông tả cảnh lân sư rồng, vốn là đặc trưng của lễ tết ở Chợ Lớn: "Ở Chợ Lớn vào tuần lễ tết, khi những con rồng bằng vải và bìa dạo qua khắp phố xá, há cái miệng to đùng và uốn cái đuôi dài màu đỏ nơi hai mươi tay cu li chui ở bên trong, cái đám đông ồn ào reo cười, trẻ con khiếp sợ bỏ trốn, tiếng la hò từ các cửa sổ. Và để chạm được đến cái mâm thập cẩm nơi người ta cài các loại giấy bạc, con rồng múa lượn, nhảy cao, leo lên lưng đám cu li lập thành một kim tự tháp trong khi xung quanh pháo nổ ran ngay giữa chân đám người hiếu kỳ...".

Pháo nổ trên các bao lơn những quán ăn chào mừng thực khách, theo tác giả mô tả là "náo nhiệt như một vụ tấn công bất ngờ". Còn trong các hẻm nhỏ, pháo cũng nổ liên hồi "như lựu đạn". Cảnh đường phố chật ních người "như những nắm cơm", hàng quán tràn ra lề đường, trong chợ thì chen lấn xô đẩy...

"Tất cả đều nhuộm sắc đỏ: những câu đối chúc tụng, những tấm lụa thêu chữ, những trái dưa hấu bổ đôi khoe ruột đỏ bên trong. Màu đỏ, màu của hạnh phúc", Roland Dorgelès viết.

Còn trang hoàng trong những gia đình thì: "Quan Táo quân chầu trời để báo với Ngọc Hoàng thượng đế những hành xử trong năm của các chủ nhân. Người ta trang trí nhà cửa khi ông thần đi vắng, dán tranh ảnh và vàng mã, mua những cành cây kỳ lạ có nụ sẽ nở khi được tưới nước ấm và cánh hoa sẽ màu đỏ và màu vàng (có lẽ là mai, đào - NVN). Người ta còn tích trữ đồ dâng lên các vị thần: vàng miếng giả, đồng bạc giả, giấy bạc giả" (Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn, Lê Trọng Sâm dịch, Nhã Nam - NXB Thế giới, 2017).

Nghỉ tay thưởng xuân

Trong cuốn On and Off Duty in Annam của quý bà Gabrielle M.Vassal (vợ của một sĩ quan quân y làm việc ở Viện Pasteur), có một chương viết về tết ở Nha Trang, nơi bà đã sống từ khoảng năm 1904 - 1907.

"Người An Nam ai cũng vui tết, giàu nghèo đều nghỉ tay đặng thưởng xuân", bà Vassal viết.

Theo bà, có nhiều cách sửa soạn tết, nhưng chung quy "tất cả đều nhuốm màu sắc tôn giáo" như: đi tảo mộ và cắm vài nhánh hoa, quét dọn nhà cửa, sắp xếp đồ đạc cho ngăn nắp, nhất là quanh bàn thờ gia tộc, dán mấy tấm hồng đều chữ đen lên hàng cột trong nhà hay trước cửa thay cho những tấm cũ...

Tết là thời điểm người ta cần tiền sắm sửa, bài bạc sa đà: "Lúc này người ta cần tiền bạc hơn lúc nào hết. Người thì lo đi đòi nợ, người thì lo kiếm món gì đó mang đi bán. Bọn kẻ cắp mặc sức trổ tài...".

Tác giả hứng thú thuật lại các cuộc thi đua ghe, đẩy ghe, bơi lội, đấu vật, đua ngựa, chạy bộ, kéo xe, đua xe cút kít, trình diễn voi, đốt pháo, múa rồng, hát bộ, hát tuồng... sôi động và giàu màu sắc văn hóa dân gian bản địa. "Mặc dù không đẹp bằng Sài Gòn hay Huế, các trò chơi ở Nha Trang cũng rất vui. Đa số các trò chơi được tổ chức trên mặt nước vì thị trấn nằm gần biển và sông".

Và đây là một đêm tết đầy dư vị trong tâm hồn một quý bà, lữ khách người Anh: "Trời đã rất khuya, chúng tôi còn nghe thấy tiếng lao xao rất xa từ rạp hát lộ thiên vọng lại cùng với tiếng trống, tiếng pháo nhỏ và pháo cối. Chỉ đến khi rạng sáng, làng xóm mới trở lại yên tĩnh và sóng biển tiếp tục lời thì thầm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.