Chị Trần Phương Nhung phải chạy thận nhân tạo từ 5 năm nay. Cũng chừng ấy thời gian, Khoa thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai và phòng trọ trong ngõ sâu bên ngách bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ hai của chị. Nơi đó, một tuần 3 lần, mỗi lần 4 tiếng, chị phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống. Ngoài thời gian đó, chị cùng chồng - anh Trương Việt Phương tất tả cho cuộc sống thường nhật của gia đình nhỏ. Cơn bão giá với những người khỏe mạnh đã khốn khó, với cuộc sống cả 2 vợ chồng đều chạy thận còn khó khăn gấp bội. Chị Nhung tâm sự: "Không tâm trí đâu để nghĩ và cũng không muốn nghĩ về Tết. Lại thêm một cái Tết không được về nhà, đâu có sung sướng gì" và đã 3 năm liên tiếp chị không biết Tết là gì. "30 Tết vào viện chạy thận, đến mùng 2 lại chạy tiếp. Thời gian như vậy về quê thế nào được. Chưa kể nếu đi lại ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe", chị Nhung nói.
Cũng may là chị Nhung có chồng bên cạnh. Anh chị gặp nhau khi cùng là thành viên xóm chạy thận nhân tạo bên ngách bệnh viện Bạch Mai. Nhưng cùng là bệnh nhân, cuộc chiến đấu với bệnh tật khiến anh chị không có thời gian rỗi ngoại lệ nào. Trong khi lịch chạy thận của chị là thứ 2,4,6 thì lịch của anh vào những người ngày lẻ còn lại trong tuần. Người này vào điều trị thì người kia chăm sóc.
Chị Nguyễn Minh Tính - điều dưỡng viên Khoa chạy thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cả khoa có 65 máy chạy thận nhưng có tới gần 1.000 bệnh nhân, nên máy hoạt động suốt ngày đêm không nghỉ. Các bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên cũng chỉ được nghỉ ngày mùng Một, rồi sau đó tất cả lại tiếp tục... Chị Tính cho biết: "Không có Tết với bệnh nhân và cán bộ nhân viên khoa thận nhân tạo đã thành quen thuộc từ lâu rồi." Không có Tết vì nhà "xuống sông"
Từ mùa lũ năm trước, nhà của 11 hộ dân xóm 2 Yên Tân ngách 175/14 phường Ngọc Thụy- Quận Long Biên lở xuống sông. Trong 11 hộ dân đó, đến thời điểm này, chỉ duy nhất gia đình nhà bác Nguyễn Thị Phai có không khí Tết, những hộ còn lại đang vất vả với cuộc sống qua ngày.
Hôm nay (29.1) là tròn đúng 1 năm gia đình bác Phai vào nhà mới. Trước đó, vào nhà mới chưa lâu, các hộ xung quanh lún đổ xuống sông, gia đình bác cũng phải di dời theo lệnh của phường. Một thời gian sau, không thấy hiện tượng lún nứt với nhà của mình, bác dọn về ở tiếp. Bác nói: "Mặc dù biết là nguy hiểm đang rình rập nhưng không còn cách nào khác bởi đồng lương hưu ít ỏi của 2 vợ chồng ăn tiêu không đủ, làm sao có tiền thuê nhà. Đành đánh cuộc với số phận vào căn nhà vậy thôi"
Không còn chút gì vớt vát như gia đình bác Phai, 10 hộ dân còn lại buộc phải di chuyển chỗ ở trong tình trạng hết sức khó khăn. Trong số đó, 7 hộ gia đình đi thuê nhà ở những nơi khác, 3 hộ còn lại là gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, ông Trần Hồng Quang và ông Nguyễn Văn Minh với 18 nhân khẩu tạm trú trong khoảng 80m2 trạm xá cũ của phường Ngọc Thụy. Không gian sống tạm bợ, chật chội chưa phải là điều đáng nói nhất. Ba gia đình này không được mắc điện, phải xin điện ở công trường xây dựng bên cạnh, nước sinh hoạt và điều kiện vệ sinh tồi tàn. Ông Nguyễn Văn Minh cho biết: "Từ khi phường di dời chúng tôi về đây, tưởng chỉ là ở tạm mà đã kéo dài nửa năm trời. Từ đó, phường không có liên hệ gì nữa, không họp hành tổ dân phố, chúng tôi không biết đang sinh sống trên địa bàn dân cư nào?"
Các hộ dân trong diện di dời do nhà sụp xuống sông cho biết: "Vừa qua chúng tôi đã một lần nữa gửi đơn lên phường Ngọc Thụy nhưng chưa có hồi âm. Không có tết một năm không phải vấn đề quan trọng nhưng chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết để các hộ dân sớm ổn định chỗ ở."u
Phan Lê Tùng
Bình luận (0)