Chúng tôi tìm về xóm trọ của bệnh nhân mắc bệnh suy thận vào những ngày cuối năm. Khi ngoài kia, mọi người rộn ràng chuẩn bị đón tết, về quê sum vầy cùng gia đình, thì tại xóm trọ nghèo này, các bệnh nhân chạy thận vẫn âm thầm chiến đấu với bệnh tật, nhớ về mâm cơm đoàn viên gia đình ngày tết mà mắt đỏ hoe, rưng rưng khóe mắt.
Anh Mai Anh Tuấn (43 tuổi, quê ở huyện Ba Vì, Hà Nội) là một bệnh nhân ở tại xóm trọ này lâu năm nhất nên được mọi người bầu làm trưởng xóm. Anh Tuấn đã điều trị chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai được hơn 23 năm qua.
|
Kể về cái tên “xóm chạy thận”, anh Mai Anh Tuấn cho hay, ngày xưa xóm trọ này có rất nhiều người tìm đến thuê, từ sinh viên đến những lao động tự do, bệnh nhân,... tuy nhiên, những bạn trẻ, người lao động ở bừa bộn, nên xóm trọ thanh lọc dần, chỉ còn những bệnh nhân điều trị suy thận quanh quẩn ở phòng, 3 lần/tuần lại tới viện chạy thận nhân tạo. Từ đó, xóm trọ này mang tên xóm chạy thận.
Xóm chạy thận có tổng cộng 129 người, quê từ Hà Giang tới Hà Tĩnh, phần lớn điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, một số phải đi xa hơn vì bảo hiểm xã hội có giá trị ở viện đó, nhưng vẫn về trọ tại đây vì cùng chung hoàn cảnh, cùng chiến đấu với bệnh tật trường kỳ, chung sống gắn bó, khăng khít.
Những cái tết xa nhà của bệnh nhân xóm chạy thận
Đa phần các bệnh nhân tại xóm đều phải đến viện để chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, nếu không đúng lịch là cơ thể sẽ chuyển biến xấu rất nhanh. Vì vậy, hàng năm, việc về quê ăn tết là điều xa xỉ của người dân tại xóm chạy thận này, chưa kể những người già yếu, nhà xa không thể về.
|
Anh Tuấn cho hay, năm nay Bệnh viện Bạch Mai sẽ lùi lịch chạy thận cho nhiều bệnh nhân về chiều 29.12 và sáng 30.12 âm lịch, nên nhiều người nhà gần, khỏe mạnh có thể về quê sum vầy cùng gia đình. Cũng có nhiều người cả chục năm không biết tới mâm cơm đoàn viên với con cháu trong ngày xuân năm mới.
“Tôi đi hơn 1 tiếng là về tới nhà, nhưng nhiều năm tôi vẫn ở lại đón tết với mọi người. Một là vì bệnh tật, lịch chạy thận, hai cũng vì tình cảm sống chung bao nhiêu năm, chỉ tranh thủ về thăm con cháu. Năm nay có 48 người đã đăng ký ở lại ăn tết vì lịch chạy thận đúng ngày mùng 1, mà nhà thì xa”, anh Tuấn chia sẻ.
Chị Dương Thị Lan (25 tuổi, quê ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), một bệnh nhân thường xuyên ở lại ăn tết tại xóm, chia sẻ vào năm 2015, chị đang mang thai đứa con đầu tiên thì phát hiện mình suy thận. Nỗi đau tiếp diễn nỗi đau, trong lúc chị đang điều trị bệnh thận tại bệnh viện cũng là lúc đứa con đầu lòng ra đi vì sinh non.
|
Đến năm 2017, chị lại tiếp tục có tin vui, các bác sĩ phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của 2 mẹ con và đưa vào diện theo dõi đặc biệt. Tuy nhiên, khi sinh con được khoảng 4 tháng, cháu bé cũng qua đời. Chồng chị Lan sau đó cũng bỏ chị đi lấy vợ mới.
“Thời gian đó tôi suy sụp nhiều lắm, chỉ trong vòng mấy tháng mà sút hơn chục cân. Từ khi lên điều trị bệnh, năm nào mẹ cũng ở lại ăn tết cùng tôi và mọi người, vì thể trạng tôi yếu nên mẹ tôi cũng không yên tâm về”, Lan nói.
Đêm giao thừa tại xóm chạy thận
Những ngày cuối năm, xóm trọ nghèo cũng là nơi nhiều nhà hảo tâm, đoàn thể tình nguyện thường xuyên lui tới. Họ mang tới những món quà nhỏ để giúp đỡ, động viên người bệnh lạc quan, chiến đấu với bệnh tật. Món quà dành tặng các bệnh nhân xóm chạy thận thường là bánh chưng, kẹo, dầu ăn, củ quả,... kèm một ít tiền để xóm trọ tổ chức tất niên cho các thành viên ở lại.
|
Theo anh Tuấn, hàng năm, cứ vào ngày cuối cùng của năm cũ (tính theo lịch âm), những ai ở lại sẽ tập trung ra khoảng ngõ rộng đầu xóm trọ cùng nhau ăn tất niên, thưởng thức văn nghệ "cây nhà lá vườn" để vơi đi nỗi nhớ con cháu, gia đình ở quê.
“Phần lớn các bệnh nhân đều không ăn uống được nhiều, nên buổi tất niên xóm trọ cũng đơn giản lắm, mấy chiếc bánh chưng, bánh ngọt, kẹo cò, nước ngọt... và cùng nhau rôm rả nói chuyện đời, rồi lại rưng rưng khi những bài hát về tết sum họp vang lên, hoặc ai đó nghe tiếng pháo báo sang năm mới”, anh Tuấn nói.
|
Sau đêm tất niên, mọi người lại về phòng và tiếp tục thuốc men, chiến đấu với bệnh tật, xem lại lịch và ca tới viện. Sáng ra lại sang chúc tết, hỏi thăm nhau, kể với nhau những câu chuyện năm cũ, về gia đình, cuộc sống và động viên nhau cùng chiến đấu với bệnh tật.
Bình luận (0)