'Thả cửa' thị trường ô tô nhập khẩu: Lợi bất cập hại

Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương ra đời tháng 5.2011 chính thức hết hiệu lực kể từ ngày 1.7 tới đang làm nóng cuộc chiến giữa DN nhập khẩu, lắp ráp xe chính hãng với các đơn vị nhập khẩu tư nhân.

Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương ra đời tháng 5.2011 chính thức hết hiệu lực kể từ ngày 1.7 tới đang làm nóng cuộc chiến giữa DN nhập khẩu, lắp ráp xe chính hãng với các đơn vị nhập khẩu tư nhân.

Cuộc chiến xe chính hãng và không chính hãng

Cách đây hơn 5 năm, Thông tư 20 chính thức có hiệu lực kết thúc cuộc chiến không hồi kết giữa DN kinh doanh xe chính hãng (bao gồm cả lắp ráp trong nước) với DN nhập khẩu không chính hãng. Theo đó, DN nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ buộc phải có giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà nhập khẩu phân phối chính hãng hoặc đại lý chính hãng tại Việt Nam cũng như đảm bảo điều kiện cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Theo thống kê, sau 5 năm ban hành Thông tư 20, quy mô của các doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng giảm 90% từ 200 còn 20 doanh nghiệp. Theo lý giải của “phe” đề nghị bỏ Thông tư 20, việc tồn tại Thông tư này là không phù hợp với Luật Đầu tư 2014, hạn chế kinh doanh và làm méo mó sự cạnh tranh giữa hai nhóm DN.

Cuộc chiến giữa DN kinh doanh xe chính hãng và không chính hãng có thể tiếp diễn

Tuy nhiên, phía DN nhập khẩu chính hãng, Hiệp hội các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA)… trong kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại cho rằng, việc duy trì Thông tư 20 giúp bình ổn thị trường, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ xe cũng như chế độ hậu mãi, bảo hành cho người tiêu dùng, tránh thất thoát thuế bởi gian lận thương mại…

Bỏ Thông tư 20 sẽ gây loạn thị trường ô tô VN?

Phản bác lại ý kiến cho rằng, Thông tư 20 “bóp chết” DN nhập khẩu ngoài, hạn chế kinh doanh cũng như cạnh tranh công bằng giữa các DN, một chuyên gia trong ngành phân tích. Về cơ bản, luôn có sự cạnh tranh công bằng giữa các DN, bởi nếu chứng minh được năng lực tài chính, bán hàng các DN hoàn toàn có thể xin giấy phép nhập khẩu, phân phối xe chính hãng từ công ty mẹ bởi không có quy định nào chỉ cho phép 1 DN phân phối xe tại 1 thị trường.

Không nói đâu xa, ngay tại thị trường Việt Nam cũng có chuyện 1 thương hiệu vài nhà nhập khẩu. Đặc biệt là Hyundai khi mảng xe du lịch do Hyundai Thành Công kinh doanh trong khi xe thương mại Thaco Trường Hải chủ trì, xe tải lại do Nam Việt Motor kinh doanh. Một trường hợp khác là Volkswagen khi đang có hai đơn vị xin làm đại lý chính hãng. Ngoài ra, còn có khá nhiều công ty khác đang cạnh tranh trong việc xin làm đại lý chính hãng của một số thương hiệu danh tiếng về xe tại Việt Nam. Điều này cho thấy việc xin làm đại lý xe chính hãng tại Việt Nam không phải độc quyền, xin được giấy phép phân phối, làm đại lý chính hãng được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tiềm lực của DN và quy mô thị trường.

Thị trường ô tô Việt Nam có thể sẽ loạn ảnh hưởng tới cả xe lắp ráp trong nước

Hơn nữa, việc bỏ Thông tư 20 có thể phá vỡ quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô từng được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, thị trường ổn định hay không ảnh hưởng rất lớn tới quyết định đầu tư của các DN, thương hiệu lớn tại nước ngoài, cũng như ngành công nghiệp phụ trợ đang được Chính phủ khuyến khích. Ví như trong vài năm trở lại đây, hàng loạt thương hiệu lớn tham gia thị trường Việt dưới dạng nhập khẩu chính hãng như Rolls-Royce, Bentley, Lamborghini, Maserati, Jaguar…

Nếu thị trường bất ổn thậm chí là trong trường hợp bị cạnh tranh gay gắt bởi các DN nhập khẩu không chính hãng, bức tranh các thương hiệu lắp ráp, sản xuất xe trong nước rời bỏ thị trường hoặc chuyển sang nhập khẩu là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi thuế nhập khẩu trở về 0% trong khu vực ASEAN kể từ năm 2018.

Lại nói về thuế nhập khẩu từ năm 2018, nếu bỏ Thông tư 20 có thể dẫn đến nhập khẩu ô tô ồ ạt, không chỉ hạng sang công suất khủng mà còn bao gồm cả ô tô giá rẻ. Điều này đi ngược với nỗ lực hạn chế ô tô bởi cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng của cơ quan quản lý. Ngoài ra, những vẫn đề như gia tăng nhập siêu, loạn giá, chất lượng xe cũng như chế độ hậu mãi đều là những hệ quả “nhìn thấy” nếu dỡ bỏ Thông tư này. Thị trường xe Việt nói chung có thể trở về thời kỳ hỗn loạn trong giai đoạn từ 2007-2011.

Mở đường cho gian lận thương mại

Bên cạnh những hệ lụy mang tính vĩ mô, việc bỏ Thông tư 20 có thể mở đường cho những DN làm ăn dựa trên gian lận thương mại, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sinh lời. Trong đó, ngoài việc nhập khẩu dưới dạng quà tặng hoặc xe cũ, các doanh nghiệp này có thể khai giá trị hợp đồng thấp hơn giá trị thật của xe để giảm thuế gây ảnh hưởng cả tới an ninh tiền tệ và các DN kinh doanh hợp pháp.

Theo đại diện một đơn vị nhập khẩu ô tô, nếu không phải đại lý chính hãng DN buộc phải nhập xe từ các đại lý ở nước ngoài. Chính vì vậy giá xe không thể rẻ hơn đơn vị nhập khẩu tận gốc từ nhà máy bởi đại lý bán xe cho DN Việt cũng phải có lãi và mất nhiều chi phí cho vận chuyển hơn. Chưa kể xe nhập từ các thị trường này thường có nhiều trang bị hơn phiên bản dành riêng cho thị trường Việt Nam. Ngoài ra, việc nhập khẩu từ các đại lý nước ngoài là sai quy định bởi các đại lý sở tại không được phép xuất xe sang thị trường thứ 3 nhằm tránh tình trạng cạnh tranh chồng chéo, sản phẩm không phù hợp với khí hậu, điều kiện khách quan tại thị trường mới.

Việc bỏ thông tư 20 có thể dẫn tới nguy cơ gian lận thương mại, thất thoát thuế

Thực tế, tình trang nhập khẩu xe không chính hãng xuất hiện ở hầu hết các thị trường. Tuy nhiên, mỗi nước lại có cách quản lý khác nhau để hạn chế tình trạng này. Ví như ở Thái Lan, có hai biểu thuế áp dụng cho xe nhập chính hãng và không chính hãng. Trong đó xe nhập không chính hãng chịu thuế cao hơn nhiều. Tại Singapore, cơ quan thuế dựa trên giá nhập của xe chính hãng làm tiêu chuẩn và cộng thêm với những tùy chọn kèm theo áp vào xe nhập không chính hãng. Ngoài ra, tại Myanmar, Chính phủ lại quản lý theo cơ sở hạ tầng tối thiểu dành cho đại lý bán xe, trong khi châu Âu là yếu tố kỹ thuật…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.