Làng tôi và có lẽ khắp vùng châu thổ sông Hồng đều thế, chiếc diều tự bao đời đã gắn liền với việc chăn trâu của trẻ nhỏ ở bến sông, bãi cỏ. Còn người lớn, nhất là các cụ già thường có thú thả diều trong những đêm trăng. Chọn một bãi đất trống, có thể ở ngay đầu làng - cứ cơm tối xong là í ới gọi nhau, người vác diều, người khoác dây, người cầm điếu cày, người xách ấm trà hay ấm nước lá vối thơm. Khi những chiếc diều được thả lên, lũ trẻ chúng tôi chỉ còn biết dán mắt theo đường lượn của nó và ngồi há miệng nghe chuyện của các bác, các cụ. Công việc đồng áng của người lớn ban ngày dù vất vả thế nào nhưng khi những chiếc diều đã được thả vào khung trời đầy trăng huyền diệu, tiếng sáo đã du dương mê hoặc, khói thuốc lào đã lơ mơ ngây ngất..., chiêu vài ngụm nước, thế là lũ trẻ con chúng tôi được nghe cả một kho chuyện đông tây kim cổ và lời bình về diều về sáo... Có những đêm không trăng, chẳng cần nhìn thấy con diều bay cao, bay thấp, đứng yên hay bay lượn ra sao, người chơi diều chỉ nghe tiếng sáo là có thể biết diều nào đang đòi dây, diều nào đảo mạnh cần chỉnh lèo hoặc chỉnh âm của sáo…
Tôi ham diều từ nhỏ. Có lẽ do sinh ra nơi thôn quê vốn ít trò chơi nên sớm bị chiếc diều và tiếng sáo gọi mời huyễn hoặc. Bốn, năm tuổi gì đó đã biết đòi chơi diều. Mẹ cắt từ tờ báo, phất cho chiếc diều nhỏ bằng bàn tay, đính thêm cái đuôi giấy rõ dài (sau này tôi mới biết làm thế cho diều không bị đảo). Chỉ cần thêm sợi chỉ chừng hai mét, thắt lèo là đã có thể tung tăng chạy khắp đường làng, bêu nắng giống như đám bạn. Kỷ niệm thuở "sơ khai" của sự đam mê ấy còn giữ lại trên... bắp chân: mải chạy diều ở đường làng, mấy chú chó từ trong các ngõ xồ ra đuổi theo "tớp" cho toạc máu và giữ sẹo đến giờ! Khi đã tự biết làm diều, thì cây sung góc vườn nhà trở thành nạn nhân của những vết băm chi chít để lấy nhựa phất diều. Cánh diều cũng như tiếng sáo tự lúc nào đã ở lại với ký ức tuổi thơ. Phải vì bẩm sinh đa cảm, mà tôi cứ ám ảnh rằng: Cánh diều luôn mang nỗi niềm bứt rứt, khao khát chinh phục những bí ẩn nào đó trên bầu trời bao la khoáng tiệp trong lành ấy... chứ đâu biết đó là một thú chơi dân gian tao nhã, một sinh hoạt văn hóa tinh thần không chỉ của một vùng quê. Bởi sau này đến Huế, sang Pháp và nhiều nơi khác, tôi mới biết thả diều từng có lịch sử cả mấy trăm năm. Cánh diều có khi không thô sơ, đơn giản như ở quê từng làm, từng chơi mà chủng loại diều phong phú; kích thước diều, cách trang trí diều và thể lệ chơi cũng khác. Diều cũng là một sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc trên thế giới.
Dọc chặng đường, mỗi khi có dịp lang thang, chợt gặp những cánh diều bay lượn với đủ các kích cỡ màu sắc ở nhiều miền đất khác, lại bần thần với hồi ức ám ảnh từ năm tháng ắp đầy kỷ niệm. Phải vì tiếng sáo diều vẫn mãi là một khung trời dào dạt trong xanh, không chỉ với tuổi thơ?
Bình luận (0)