Sum họp và chia li
Sau tết, anh Nguyễn Văn Thái (ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) lên xe rời quê vào lại TP.HCM. Mươi ngày trước, anh Thái tạm nghỉ bán hủ tiếu đưa vợ và con nhỏ về nhà vui tết đoàn viên cùng gia đình.
Mẹ anh là bà Võ Thị Liên cười tươi hết cỡ, đưa hai tay ôm cháu nội vào lòng. Vợ chồng anh cùng gia đình, họ hàng vui vẻ nói cười bên mâm cỗ tất niên ngày cuối năm.
Những ngày tết, anh đưa vợ con sang thăm gia đình nội, ngoại và bà con láng giềng với gương mặt rạng ngời niềm vui. Họ rôm rả chuyện trò, cầu chúc nhau những lời tốt đẹp trong năm mới.
Những ngày tết đoàn viên qua nhanh, anh thu xếp việc gia đình rồi bắt xe trở vào thị thành để mưu sinh. "Ở quê làm ăn khó khăn nên vợ chồng tôi phải vào trong đó bán hủ tiếu. Cầu trời cho mọi người đều khỏe mạnh, công việc suôn sẻ để tết sang năm trở về sum họp cùng gia đình", anh Thái tâm sự.
Còn bà Võ Thị Liên cũng ngậm ngùi: "Tôi có 5 đứa con thì 4 đứa đi làm ăn xa. Con gái út làm việc bên Nhật Bản, tết rồi cũng về nên tôi vui lắm. Sau tết, chúng nó lại ra đi. Nhớ lắm nhưng đành chịu chứ con ở quê thì làm gì kiếm ra tiền để trang trải cuộc sống. Chỉ mong năm sau lại có tết đoàn viên đông đủ".
Với anh Bùi Nhật Thuật (ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường) mỗi lần "về quê là vui như tết". Vậy nên năm nào anh cũng cố gắng thu xếp công việc và chuyện con cái học hành để về đón tết đoàn viên nơi quê nhà.
Vừa về đến quê, anh lăng xăng dọn dẹp nhà cửa, dạo quanh hàng xóm thăm bà con láng giềng. Anh cùng những người bạn từ thuở thiếu thời tay bắt mặt mừng, hể hả nói cười giữa ngày xuân se lạnh. Bữa cơm tất niên gia đình thêm ấm cúng. Họ nâng ly chúc nhau gặp nhiều may mắn, tình quê tràn đầy sau cả năm trời xa cách.
Vừa hết tết, vợ chồng anh cùng hai người em trai lại đi làm ăn xa. "Mình bán hủ tiếu gõ ở đường Hoàng Sa, TP.HCM. Ở nơi đất khách mà gặp bà con quê mình là mừng lắm", anh Thuật tâm sự.
Những người ở lại
13 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam, ông Trần Đức Thuận (ở thôn Bàn Thạch, xã Phổ Cường) mang ba lô trở về sum họp với gia đình sau những ngày dài li biệt. Thấu cảm nỗi buồn xa cách, ông quyết tâm bám trụ quê hương cùng vợ chăm chỉ cấy cày lo cho 5 người con lần lượt chào đời.
Thế rồi, các con ông bà ngày càng khôn lớn, rời xa quê hương để tìm kế mưu sinh. Sớm hôm, vợ chồng ông quẩn quanh cùng đứa cháu ngoại. Những cuộc điện thoại làm vơi đi phần nào thương nhớ.
Đến tết, các con ông bà lần lượt trở về. Cả nhà sum vầy rộn rã tiếng cười vui. Nhưng rồi ngày vui qua mau, các con ông bà lại khăn gói ra đi để trở lại công việc thường ngày. "Những cái tết dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng nó không về được nên nhớ lắm. Tết này các con về đông đủ, gia đình đoàn viên nhưng xong vài bữa rồi chúng lại đi. Tôi chỉ mong con cháu ở gần bên cho khỏi hiu quạnh lúc tuổi già. Nhưng ở quê cuộc sống khó khăn nên đành phải ra đi", ông Thuận bộc bạch.
Gần 20 năm qua, vợ chồng ông Trần Niên (ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường) thay các con nuôi 3 cháu nội với tình thương yêu vô bờ. Cháu bé tròn tuổi, vợ chồng con trai gạt nước mắt gửi con cho cha mẹ rời làng vào các tỉnh, thành phía nam tìm kế sinh nhai và chỉ về thăm nhà vào dịp tết.
Ở tuổi 70, ông Niên không còn đủ sức gồng gánh rơm rạ, chăn nuôi bò như lúc trước nhưng vẫn cần mẫn ngoài đồng canh tác hơn 1 mẫu ruộng lúa. Vợ chồng ông còn nuôi gà, vịt để thêm nguồn thu nhập "lo cho cháu đến trường và cúng giỗ trong gia đình".
Khi cháu còn nhỏ, ông thường ẵm ra đồng đặt ngồi dưới tán cây râm mát rồi quần quật nhổ cỏ, bón phân... Nơi không có bóng cây, ông mang theo chiếc dù che nắng cho cháu, dẫu xót lòng nhưng nhà chẳng có người trông nom. Rồi mỗi ngày vài bận đưa đón cháu đến trường bất kể sớm trưa, mưa dầm hay nắng nóng oi ả.
Vào mùa thu hoạch, vợ chồng ông bận túi bụi từ sớm đến khuya. Nhiều hôm, vừa ngoài đồng trở về, ông nuốt vội chén cơm rồi đưa cháu đến lớp. "Giờ hai đứa cháu lớn cũng vào trong đó làm ăn rồi, chỉ còn thằng cu vừa mất cha ở với vợ chồng tôi nên vẫn còn phải lo cho nó. Tuổi già ai cũng mong muốn được thảnh thơi nhưng hoàn cảnh con cháu như vậy thì phải gắng sức chứ biết sao được! Với những người như chúng tôi, tết đoàn viên là điều mong mỏi nhất trong năm", ông Niên tâm sự.
Tầm 10 giờ trưa, bà Lâm Thị Bốn bận rộn, luôn tay nấu nướng "để cháu học về có cơm ăn". Xong việc, bà ngồi cạnh chồng là ông Nguyễn Nhàn cùng nhau mân mê giấy khen của cháu nội đạt danh hiệu học sinh tiên tiến với gương mặt rạng ngời niềm vui.
16 năm trước, vợ chồng con trai gửi con gái đầu lòng vừa tròn tuổi cho ông bà rồi rời quê mưu sinh bên xe hủ tiếu gõ. "Hồi nhỏ cháu hay đau ốm lắm, phải ẵm miết trên tay. May có chị sui ở gần chợ nên mua cá mắm rồi đem xuống giùm, chứ tôi không đi được, chỉ ôm cháu nằm trên võng chứ không rời nửa bước. Khi cháu học lớp 5 mới đỡ đau, mới hết khổ. Giờ chỉ mong cuối năm con cái về vui tết đoàn viên với gia đình...", bà Bốn rớm lệ.
Xã Phổ Cường có 7 thôn với hơn 15.000 nhân khẩu. Trong đó, Mỹ Trang là thôn có dân số đông nhất với hơn 5.000 người. Khi có người qua đời, mọi người đến thăm hỏi, chia buồn và chung tay lo hậu sự cho người quá cố. Dự đám tang phần lớn là người cao tuổi tay yếu, chân run. Vậy nên phải huy động vài ba xóm mới đủ người tuổi trung niên ghé vai khiêng quan tài đưa người từ giã cõi trần về cõi vĩnh hằng.
Quanh quẩn xóm làng cũng chỉ người già nên năm 2016 thôn Mỹ Trang thành lập Câu lạc bộ "Những người ở lại" với hội viên từ 60 tuổi trở lên, có con đang mưu sinh phương xa. Mô hình này dần lan sang các thôn: Xuân Thành, Thanh Sơn và Nga Mân với tổng số hội viên trên 200 người.
"Định kỳ 3 tháng sinh hoạt một lần. Qua các buổi sinh hoạt giúp các cụ vơi đi nỗi buồn khi phải xa con. Đấy cũng là nơi tâm tình, trao đổi phương pháp nuôi dạy cháu còn nhỏ tuổi...", ông Trương Văn Đượm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phổ Cường, cho biết.
Xã có gần 6.000 người tha hương
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, cho biết toàn xã có gần 6.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm gần 40% dân số) rời quê đi làm ăn xa. Trong đó, phần lớn người dân mưu sinh bằng nghề bán hủ tiếu. "Nhiều người bán hủ tiếu có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm các vật dụng trong gia đình và cho con em ăn học trưởng thành", ông Nam nói.
Bình luận (0)