Thả muỗi ngăn ngừa sốt xuất huyết ở Nha Trang
Dự án 'Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam' tiến hành thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trong đất liền Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH).
Tự động phát
|
Ngày 6.3, Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam đã triển khai thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tại xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang (Khánh Hòa).
Tham dự có đại diện các cơ quan thuộc Bộ Y tế, UBND tỉnh Khánh Hòa, Viện Pasteur Nha Trang, Trường ĐH Monash (Úc) cùng các đơn vị, ban ngành liên quan.
Từ ngày 6.3, Dự án sẽ thả muỗi tuần một lần tại 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương, gồm: Lương Sơn 1-2-3, Văn Đăng 1-2-3 và Võ Tánh 1-2. Dự án đã lập bản đồ phân chia trên 200 ô thả muỗi trong khu vực, mỗi ô kích thước 50m x 50m. Dự kiến, từ tháng 3.2018, mỗi tuần sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi “ô” trong 12-18 tuần.
Đây là lần đầu tiên muỗi mang Wolbachia được thả trong đất liền tại Việt Nam, với mục đích góp phần khống chế dịch bệnh SXH.
Trước đó, vào năm 2013-2014, Dự án đã tiến hành thả muỗi mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại đảo Trí Nguyên (P.Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang). Từ khi thả muỗi Wolbachia đến nay, chưa ghi nhận ổ dịch SXH nào xảy ra trên đảo, mặc dù vài năm trở lại đây Khánh Hòa vẫn là một trong những điểm nóng về SXH.
Dự án “Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam” là dự án nghiên cứu hợp tác giữa Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, và Đại học Monash (Úc) trong khuôn khổ Chương trình loại trừ SXH toàn cầu.
Theo đại diện dự án, muỗi vằn thả có nguồn gốc từ Nha Trang, được nuôi trong phòng thí nghiệm, cấy vi khuẩn Wolbachia (một loại vi khuẩn nội bào, sống trong tế bào của khoảng 60% các loài côn trùng trong tự nhiên, có khả năng ức chế sự phát triển của vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết và Zika trong cơ thể muỗi vằn).
Sau khi thả, muỗi vằn đực mang Wolbachia giao phối với muỗi vằn cái không mang Wolbachia thì trứng do con cái đẻ ra sẽ không nở; muỗi cái mang vi khuẩn Wolbachia giao phối với muỗi đực (mang hay không mang Wolbachia) sản sinh ra thế hệ muỗi mới mang Wolbachia. Từ đó, muỗi mang Wolbachia sẽ dần chiếm ưu thế trong quần thể muỗi vằn tự nhiên, giúp hạn chế lan truyền bệnh SXH.
Các nghiên cứu thử nghiệm thực địa đã chứng minh phương pháp này an toàn, đến nay chưa có bất cứ vấn đề gì bất thường về sức khỏe con người và môi trường.
|
Bình luận (0)