Các công trình hoang vắng, đổ nát trong điểm du lịch thác Trinh Nữ - Ảnh: Trung Chuyên |
Trinh Nữ, cùng với Đray Sáp, Đray Nu, Gia Long, là những ngọn thác hùng vĩ trên sông Sêrêpốk, con sông chảy ngược về phía tây nằm giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Cụm thác này cũng là những điểm du lịch được đầu tư khai thác từ nhiều năm trước đây. Từ khi tách tỉnh (2004), thác Trinh Nữ (thuộc địa bàn thị trấn Ea Tlinh, H.Cư Jút, Đắk Nông) do Công ty TNHH thương mại - du lịch Đắk Nông quản lý. Để thu hút khách, doanh nghiệp này đã đầu tư nhiều tỉ đồng xây dựng khu vực thác thành điểm du lịch sinh thái khá quy mô. Hai bên đường xuống chân thác là một loạt nhà sàn theo phong cách đồng bào Tây nguyên, nhà hàng, phòng nghỉ nhỏ, điểm vui chơi giải trí…
|
Tuy nhiên, giờ đây điểm du lịch này đang trong cảnh hoang phế. Nhiều du khách tìm đến đây sửng sốt trước cảnh đổ nát của các công trình một thời nhộn nhịp. Đập vào mắt mọi người là thông báo viết nguệch ngoạc trên vách nhà bảo vệ cạnh cánh cổng khóa chặt “thác đóng cửa không hoạt động”. Từ cổng đi vào bên trong khu vực thác, cỏ dại um tùm, che lấp các lối đi, nhiều dãy nhà dây leo bao trùm cả mái. Khu nhà hàng ẩm thực rộng lớn bị sập ở giữa, nhà sàn nghỉ dưỡng sót lại sau một vụ cháy chỉ còn lại hàng cột chỏng chơ… Các phòng nghỉ, ki ốt riêng biệt thì xuống cấp, hư hại, rêu phủ đầy tường. Khu vực sát mép thác cơ man là rác thải. Một người bảo vệ ở đây, cho biết trước đây điểm du lịch này có nuôi 2 con cá sấu nhưng một con bị sổng chuồng, một con bị chết do không có thức ăn.
Theo ông Ngô Lãm, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Cư Jút, điểm du lịch sinh thái thác Trinh Nữ bị bỏ hoang từ năm 2012 do đơn vị chủ quản là Công ty TNHH Thương mại - du lịch Đắk Nông làm ăn thua lỗ trong nhiều năm qua, đang tiến hành thủ tục phá sản nhưng có nhiều vướng mắc nên chưa được xử lý dứt điểm. Hiện điểm du lịch này cũng đang trong quá trình tìm hướng chuyển giao cho doanh nghiệp khác quản lý khai thác. Ông Lãm nhận xét: “Việc bỏ hoang khu du lịch này trong hai năm qua không chỉ làm lãng phí nguồn vốn đầu tư và tài nguyên thiên nhiên ở đây mà còn ảnh hưởng đến chương trình phát triển kinh tế du lịch địa phương; đặc biệt là làm giảm lượng du khách, hạn chế hiệu quả khai thác tuyến du lịch sinh thái - văn hóa vừa được xây dựng kết nối buôn Buôr (buôn cổ ở xã Tâm Thắng, H.Cư Jút) với các ngọn thác trên sông Sêrêpốk”.
Trung Chuyên
Bình luận (0)