* Có vẻ ông rất tự tin khi thách đấu với Cục HKVN?
- Một đường bay đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, trong đó có các vị lãnh đạo Nhà nước – Chính phủ, được tôn vinh là “vàng” trong khi Cục HKVN đánh giá là “thau” đã thực sự gây “sốc” dư luận, mà tôi lại là một nhà khoa học có mặt trong cuộc họp hôm đó. Điều này buộc tôi suy nghĩ, tính toán nghiêm túc để không đánh mất cơ hội và nguồn lợi rất lớn của đất nước. Một đường bay lòng vòng mà lại nói kinh tế hơn đường bay thẳng thì thật sự coi khoa học là trò đùa.
Cục HKVN đã tính hiệu quả đường bay bằng một bài toán sơ cấp dẫn đến kết quả là không kinh tế nên một mực khăng khăng "cự tuyệt" sáng kiến ĐBV. Họ đã suýt “thủ tiêu” một sáng kiến - một con đường đang được nhiều người kỳ vọng. Theo cách tính của tôi, đó là một đường bay đạt hiệu quả 100%, sau khi đã trả chi phí quá cảnh hơn 13,5 triệu USD vẫn tiết kiệm được mỗi năm trên 45 triệu USD. Hàng chục triệu hành khách và các hãng hàng không sẽ được hưởng lợi bền vững trên đường bay này.
* Cứ cho rằng, ĐBV hiệu quả về kinh tế như ông nói, nhưng thực sự trong ngành hàng không, yếu tố an ninh và an toàn được đặt lên hàng đầu, trong khi đường bay này lại qua không phận Lào và Campuchia. Như vậy hiệu quả kinh tế ông nêu ra có đáng để mạo hiểm sự an toàn của đường bay chính yếu này không?
- Chúng ta đang ở thời kỳ hoàng kim của hòa bình, vậy mà Cục HKVN cứ bắt các “đứa con” của mình chỉ được bay lòng vòng trong “vườn nhà". Lúc này, vị thế của VN là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, có tiếng nói quan trọng để gìn giữ hòa bình; nước ta cũng đã gia nhập WTO, ASEAN, mối quan hệ ba nước Đông Dương bền chặt mở ra một bầu trời hòa bình bền vững hơn bao giờ hết.
Thật đáng tiếc cho lãnh đạo Cục HKVN không quan tâm đến khái niệm “bầu trời mở”. Từ năm 2008 trở đi, chính sách này được thực hiện giữa các nước thành viên ASEAN. Các quốc gia thành viên đã ký Hiệp định bầu trời mở rộng, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010, khi đó máy bay của một quốc gia thành viên được bay tới thủ đô của bất kỳ nước hội viên nào. Tới năm 2015, tất cả ASEAN sẽ trở thành một thị trường hàng không thống nhất cơ mà.
Mô hình đường bay "vàng" thẳng theo kinh tuyến 106 độ Đông - Ảnh: T.Q.H |
Luận điểm của Cục HKVN là: Phải duy trì một “đường bay xương sống" trong lãnh thổ để đảm bảo quốc phòng an ninh, khác nào cấm vận người dân và các hãng hàng không nước mình, như vậy chính chúng ta là người thiệt thòi. Tôi cho rằng đây là một tư duy quá lỗi thời của hơn 30 năm về trước, cần phải đổi mới. Mở ĐBV là vận hội lớn cho cả ba nước hợp tác lâu dài khai thác tài nguyên không gian và là cơ hội để các hãng hàng không làm giàu, còn người dân được tiếp cận với phương tiện giao thông hiện đại. Ngay tại thời điểm này, hơn 30 hãng hàng không quốc tế đã thiết lập các đường bay đến VN, có 5 hãng hàng không hoạt động tại VN, Cục HKVN cần phải mở rộng bầu trời cho họ thỏa sức mà bay chứ.
* Tại sao không dùng cách khác mà lại đi thách đấu, có vẻ như một cách gây sự chú ý, đánh bóng tên tuổi?
- Cuộc họp ĐBV theo chỉ đạo của Thủ tướng đã không đạt kết quả như công luận mong chờ do Cục HKVN cho rằng không kinh tế, không khả thi và khăng khăng “sẽ không bao giờ thay đổi ý kiến” thì có trời mới nói nổi! Nhiều người đã lên tiếng ủng hộ ĐBV nhưng Cục HKVN bỏ qua. Tranh luận với Cục HKVN trên giấy tờ có lẽ nhiều năm cũng không xong, tôi phải dùng “liệu pháp mạnh" may ra mới kêu gọi được họ quay lại diễn đàn để tranh luận khoa học một cách bình đẳng, công khai. Việc thách đấu trong khoa học là hoàn toàn lành mạnh, các nhà khoa học trên thế giới rất bình đẳng và sẵn sàng thách đấu đến cùng để tìm bằng được chân lý và bảo vệ bằng được chân lý của mình.
* Một khi Cục HK chấp nhận thách đấu, theo ông, ai sẽ làm trọng tài? Liệu trọng tài này có thực sự khách quan? Ông sẽ phó mặc mọi phán quyết cho trọng tài, hay nếu thua lại tiếp tục tìm trọng tài khác?
- Khoa học có chân lý, “vàng - thau” không thể lẫn lộn. Tôi đặt niềm tin vào trọng tài - hội đồng khoa học và hội đồng đó sẽ làm việc hết mình vì khoa học. Bài toán hiệu quả kinh tế ĐBV được tôi tính toán kỹ lưỡng và chuẩn bị rành mạch như luận án tiến sĩ trình trước hội đồng khoa học cấp Nhà nước, với tên gọi: Phương pháp tính toán hiệu quả và giải pháp tối ưu hóa đường bay. Luận án của tôi rất cần sự phản biện của các tiến sĩ ngành hàng không và các nhà khoa học. Đây cũng là cơ hội tốt để người dân được biết, được bàn và được hưởng quyền lợi trên ĐBV. Đó sẽ là một “cầu hàng không huyết mạch, tối ưu nối thẳng hai thành phố (HN - TP.HCM) đông dân nhất Đông Nam Á theo hiệp định “bầu trời mở" mà hiệu quả mang lại cho cả ba nước là rất lớn.
* Nếu thua cuộc, ông có đủ 5 triệu USD để trả chứ? Xin hỏi, tại sao lại là 5 triệu USD mà không phải nhiều hay ít hơn?
- Tôi chủ động tính toán rồi đứng ra thách đấu mà lại nghĩ đến thua cuộc thì còn gì bản lĩnh của một nhà khoa học! Tôi thách đấu 5 triệu USD là vừa đủ cho một “liệu pháp mạnh” để có thể đổi mới một tư duy. Cái được trong cuộc thách đấu này là rất lớn, tính ra hàng chục, hàng trăm triệu USD... mà quyền lợi này phải thuộc về hành khách, doanh nghiệp và hãng hàng không.
* Trước đó, ông cược 5 triệu USD trong một cuộc thách đấu “có qua có lại” (tức nếu Cục HKVN thua cũng phải chi 5 triệu USD), nhưng sau đó lại đổi mục đích nhắm đến chỉ là “yêu cầu Cục HKVN công khai thừa nhận sai sót…”. Như vậy việc thách đấu này có đáng không?
- Việc thay đổi điều kiện là cách tốt nhất để mở đường cho Cục HKVN thoải mái cùng tôi bước ra “đấu trường" khoa học để cùng tranh luận, tìm cho ra bằng được chân lý. Khi chứng minh được ĐBV có giá trị kinh tế lớn thì Cục HKVN phải triển khai ngay vì đó là quyền lợi của cả một đất nước cơ mà. Không nên vì sự tự ái của Cục HKVN mà làm mất đi quyền lợi của các hãng hàng không và quyền lợi của người dân hằng ngày đi lại trên đường bay đó. Thời gian rất cấp bách, vì nếu chậm trễ, mỗi ngày chúng ta mất gần 200 ngàn USD, cứ 5 ngày mất 1 triệu USD và mỗi năm lãng phí trên 45 triệu USD.
* Như đã trình bày thì ông sẵn sàng chấp nhận mất 5 triệu USD nhưng lại không tư lợi gì cho bản thân, có vẻ khó tin quá?
- Cái được của liệu pháp “triệu đô" là sự đột phá mới của Cục HKVN để VN thực hiện bằng được “bầu trời mở”, đó cũng là niềm hạnh phúc của một nhà khoa học như tôi. Mọi phán xét khác, tôi xin nhường cho công luận.
Trước đó, ông Mai Trọng Tuấn (nguyên phi công quân đội nhân dân VN), đã đề xuất đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM theo trục kinh tuyến 106 độ Đông. Theo tính toán của ông Tuấn, đường bay "vàng" này sẽ rút ngắn cự ly từ 1.200 km hiện nay (do bay vòng ra biển) xuống còn 1.000 km, thời gian bay từ 105 phút giảm còn 80 phút. Về nhiên liệu, nếu một máy bay chở 200 hành khách trên đường bay cũ sử dụng hết 25.000 lít nhiên liệu thì khi bay theo đường bay mới sẽ tiết kiệm được 5.000 lít nhiên liệu/chuyến, kéo theo giá vé sẽ rẻ được 16%. Bên cạnh đó, vấn đề cứu hộ, cứu nạn cũng dễ dàng hơn so với đường bay cũ trên biển (đường bay thẳng theo kinh tuyến 106 độ Đông hầu hết nằm trên mặt đất). Tuy nhiên, phản hồi của Cục Hàng không VN lại cho rằng đề án đường bay "vàng” của cựu phi công Mai Trọng Tuấn là không khả thi vì đi qua các vùng cấm bay, khu vực huấn luyện quân sự, bay theo kinh tuyến 106 độ Đông phải qua không phận Lào và Campuchia, trong khi đường bay quan trọng nhất của hệ thống hàng không nội địa phải được duy trì hoàn toàn trong lãnh thổ VN để bảo đảm sự khai thác thông suốt trong mọi điều kiện. Ngoài ra, Cục Hàng không cũng cho rằng đường bay "vàng" không kinh tế bằng đường hiện tại vì chi phí khai thác cao hơn do phải trả tiền bay quá cảnh quốc tế cho Lào và Campuchia. |
Phương Thanh (thực hiện)
Bình luận (0)