Thế hệ những thanh niên 9x đời đầu như chúng tôi đến giờ vẫn không thể quên cảm giác sung sướng khi mỗi chiều thấy cô hàng thạch găng, chè đậu đen qua ngõ, giọng rao mềm mượt chết người, “Ai chè, thạch đê…ê…ê…”.
Mỗi ly thạch găng giá 500 đồng, còn chè đậu đen là 1.000 đồng, nên món ăn được bọn trẻ hào phóng mua thường chỉ là thạch găng.
|
Chìa đồng tiền ra, mắt bọn trẻ sáng ngời nhìn tay cô hàng chè mở chiếc vung nồi nhôm như chứa cả trong đó một kho báu quý: nồi thạch găng màu xanh lục đã đông lại, nhìn thôi đã thấy phải kín đáo nuốt nước miếng.
Vỏ lon bia được cắt đôi thành một chiếc muỗng xúc thạch kỳ diệu, từng lát thạch vừa dài, vừa dẻo mượt cứ thế sóng sánh, bồng bềnh rơi vào ly.
Lưng một cái ly thủy tinh thạch, chan thêm vài muỗng nước đường trắng đã được cô sên với nước lọc đến khi sền sệt, nhỏ vài giọt tinh dầu chuối thơm dễ chịu, xúc đá viên đập nhỏ bỏ lên trên.
Đó, cô hàng chè cứ làm từng ly thạch như thế nhanh thoăn thoắt. Lũ trẻ cầm ly thạch mát lạnh trên tay, xúc lấy xúc để, đến khi còn một ít nước đáy ly thì đưa cả lên miệng húp đánh ực một cái, mắt vẫn còn thòm thèm nhìn vào đôi quang gánh.
Thạch găng có gì ngon mà làm lũ trẻ chết mê chết mệt đến thế? Có thể ngày xưa làm gì có quà bánh, trái cây nhiều như bây giờ. Trẻ con đi học về tự tìm sung, mít non chát xít rồi chấm muối làm món quà chiều. Bánh kẹo được ăn thỏa thuê chỉ chờ đến Tết.
Phải nhìn những đứa trẻ lem nhem mồ hôi, bùn đất sau một ngày lùng sục khắp xóm tìm phế liệu, háo hức chờ một ly thạch găng, hay một thanh kẹo kéo từ người bán dạo mới thấy hết những niềm sung sướng sáng trong của con trẻ.
Món ngon của quá khứ ấy đã trôi xa có khi đến 15 năm.
Và chiều nay, tôi tình cờ cầm lại một ly thạch găng. Lại là thạch găng do chính người nhà tự làm từ bột lá găng trên rừng. Từng lớp thạch vẫn xanh màu lục, thơm ngan ngát dễ chịu mùi của lá rừng, cùi bưởi. Chan nước đường, bỏ thêm đá, ly thạch vẫn mê ly những cảm xúc của vị giác và hoài niệm.
Tôi nhớ đến những ngày xưa, mỗi chiều tan học băng qua một quả đồi, lũ trẻ trong xóm thường tranh thủ tìm cây găng, bứt lá găng rồi mang về phơi để vò thạch. Cây găng chi chít gai, không may là gai đâm chảy máu. Lại phải mất công phơi vỏ bưởi cho khô, đốt lên thành tro, lọc lấy nước trong để hòa cùng thạch cho thạch được giòn. Cầu kỳ thế mà lũ trẻ vẫn hăng say bứt lá, phơi vỏ bưởi.
Liên hoan cuối tuần của trẻ con xóm nhà nghèo có khi là một nồi thạch găng thật to. Thiếu ly thì ăn thạch bằng bát tô, chẳng cần dầu chuối, có khi đường cũng chưa kịp nấu, chỉ kịp hòa vào nước cho tan chảy. Vậy mà thạch găng sao vẫn cứ ngon.
Hôm trước vào một nhà hàng lớn ở Hạ Long, bất ngờ khi đến món tráng miệng: nhân viên bưng ra thạch găng đựng trong những bát sứ rất cầu kỳ. Thạch găng lần này được gia giảm thêm long nhãn. Ăn ngon, lạ miệng. Nhưng sao chẳng giống thạch găng của tuổi thơ xưa.
Món ăn giản dị, từng in dấu đậm nét trong tuổi thơ con nhà nghèo ngon hơn khi để trong ly thủy tinh còn lồi lõm những bọt thủy tinh, có dầu chuối, có đá lạnh và ríu ran những tiếng tranh giành múc thạch.
Chắc món ăn ngon, còn ngon vì hoài niệm những ngày thương nhớ...
|
Thúy Hằng
Bình luận (0)